Cần có chương trình quốc gia về giáo dục đạo đức, lối sống

04/10/2019 06:48 GMT+7

Cho rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay còn nhỏ lẻ, phụ thuộc vào từng trường, nhiều ý kiến đề nghị cần phải có chương trình quốc gia hoặc Nghị quyết của T.Ư Đảng về vấn đề này.

Sáng 2.10, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên - Vấn đề và giải pháp”.
Tiến sĩ Phan Tùng Mậu, Phó chủ tịch Liên hiệp hội, cho rằng hội thảo nhằm xin ý kiến các nhà khoa học, các nhà trường đánh giá đúng thực trạng và đưa ra giải pháp để Liên hiệp hội kiến nghị với Bộ GD-ĐT tạo cơ chế chính sách về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Những ý kiến tại hội thảo là cơ sở để Liên hiệp hội đề nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Còn tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục VN, cho rằng ông không muốn dùng từ “xuống cấp” khi nói về đạo đức của giới trẻ hiện nay vì “không biết ở cấp nào mà xuống”, tuy nhiên ông không giấu nổi sự mệt mỏi khi cho rằng lâu nay chúng ta nói quá nhiều về vấn đề này mà không chịu làm.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Thạc sĩ Hoàng Thị Lan, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, cần sự phối hợp giữa các bên gia đình, nhà trường và xã hội. Ba yếu tố này phải phối hợp nhịp nhàng. Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ triển khai cho sinh viên, thanh niên mà phải chú trọng từ nhỏ. Do vậy, gia đình phải làm gương, cha mẹ có lối sống, đạo đức tốt thì con cái sẽ theo gương.
Hà Ánh
“Nhiều ý kiến lý giải đạo đức, lối sống trong nhà trường chịu sự tác động của xã hội, nhưng giáo dục phải tạo ra “sức đề kháng” để giúp xã hội phát triển chứ không phải giáo dục bị lôi kéo để khủng hoảng theo”, ông Tùng Lâm nói.
Theo tiến sĩ Tùng Lâm, nhà trường hiện nay vẫn duy trì phương pháp giáo dục quá lạc hậu, áp đặt, không dân chủ, không nhân văn với con người, gói gọn trong 4 bức tường, sách vở. Về giáo dục gia đình, tiến sĩ Tùng Lâm chỉ ra rằng chúng ta đang chỉ quan tâm bao nhiêu hộ nghèo, đói mà không quan tâm nền tảng giáo dục gia đình, phải có khoảng 70 - 80% gia đình “đói” về giáo dục. Tiến sĩ Tùng Lâm đề nghị phải có chương trình quốc gia về vấn đề này. Toàn xã hội chung tay nhưng không thể kêu gọi một cách chung chung mà phải đo được trách nhiệm giáo dục đạo đức của từng lực lượng trong xã hội, vai trò của nhà trường là chủ lực, vai trò của gia đình, các lực lượng khác là thế nào... phải cụ thể.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng chuyện giáo dục đạo đức hiện nay như một báo động về thế hệ trẻ đã đi chệch con đường đào tạo con người mà chúng ta mong muốn. Theo thầy Hòa, nguyên nhân đầu tiên là việc giáo dục đạo đức nhỏ lẻ, không được chú tâm, xem nhẹ, mà hiện nay các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhất là chạy theo điểm số, chạy theo thi cử và giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thác thành tích - thi cử. Mà đã tập trung vào giáo dục chạy theo thành tích - thi cử - điểm số thì việc giáo dục đạo đức nếu không coi là bị xem nhẹ thì cũng không phải là trọng tâm, thường xuyên, làm lấy lệ, hình thức không xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người.
Thầy Nguyễn Văn Hòa cho rằng việc giáo dục đạo đức không phải đưa ra các quy tắc bắt học sinh thực hiện mà giáo dục xuất phát từ giá trị sống và giáo dục đạo đức. Nếu chúng ta không coi trọng khoa học tâm lý thì đã đánh mất đi giá trị cơ bản nhất của giáo dục, việc giáo dục phải đi đúng tâm lý con người theo cách làm họ tự giác thay đổi bản thân để trở thành con người văn hóa, văn minh.
Ông Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhận xét nhà trường như có một lỗ hổng từ cách tiếp cận cho đến phương thức tổ chức thực hiện việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Theo ông Toản, ở các nước phát triển, việc giáo dục đạo đức từ tiểu học được đặc biệt coi trọng chứ không phải lo học vấn cao siêu. Việc giáo dục đạo đức cũng phải giúp hình thành giá trị sống, giá trị đạo đức của mỗi học sinh và giúp các em có nền tảng đạo đức.
Giáo sư Nguyễn Văn Cương, Hội Hóa học VN, đề nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng cần ra nghị quyết về vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên như Nghị quyết 29 đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, bởi có như vậy mới huy động được cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc vì cách làm lâu nay không hiệu quả.

Áp dụng trước cho những người có ảnh hưởng

Có thể nói, giáo dục đạo đức cần làm ngay từ bé và người lớn phải làm gương nếu không sẽ phản tác dụng. Lấy một ví dụ đơn giản cho dễ hiểu, nếu sáng nào cha mẹ cũng chở con đi học ngược chiều thì dù trên lớp có học thuộc lòng các quy tắc giao thông thì việc học này cũng không hiệu quả.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang (Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)

Không còn thời gian để vui chơi

 
Yếu tố quan trọng là cần đẩy mạnh chú trọng đến giáo dục đạo đức trong gia đình, từ gia đình sẽ lan tỏa ra xã hội. Ngoài ra, việc đổi mới thi cử cũng phải thay đổi, vì nếu không học trò cứ phải chăm chăm thời gian cho việc học, việc thi không còn thời gian để vui chơi, để bồi đắp những giá trị đạo đức, văn hóa trong cuộc sống.
Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)

Cần chú trọng từ gia đình, nhà trường, xã hội

Nếu trong gia đình ba mẹ không là tấm gương thì sao con em biết để học theo. Còn trong nhà trường, thầy cô cho học sinh làm bài lại hay sửa điểm vì thành tích thì học sinh sẽ có suy nghĩ thế nào, có tôn trọng những giá trị đạo đức không? Vậy nên chính bản thân mỗi cá nhân không ý thức thì dù có 100 chương trình quốc gia hay hàng ngàn bài học thì xã hội vẫn luôn cần sự đánh động.
Giáo viên tại Q.Tân Phú, TP.HCM
Hà Ánh - Bích Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.