Giá dầu Mỹ cuối tuần qua bất ngờ tăng 12% nhưng tới hôm qua lại giảm đi 1,7%, còn 28,95 USD/thùng và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ trở về với mức 40 USD/thùng.
Xăng dầu đã giảm khá mạnh nhưng giá cước chỉ giảm nhỏ giọt - Ảnh: D.Đ.Minh |
TS Trần Đình Thiên
|
Việc giá dầu giảm sâu sẽ tác động tới kinh tế trong nước như thế nào và kế hoạch khai thác dầu thô ra sao để bảo vệ nguồn tài nguyên, TS Trần Đình Thiên (ảnh), Viện trưởng Viện Kinh tế VN trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.
* Với mức giá dầu như hiện nay và có thể tiếp tục lao dốc, TS đánh giá sẽ tác động như thế nào lên nền kinh tế VN?
- Giá dầu giảm bao giờ cũng tác động hai mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực trước tiên là những ngành tiêu thụ dầu được hưởng lợi vì giảm chi phí, giá thành hàng hóa sẽ giảm. Thứ hai, người tiêu thụ xăng dầu có cơ hội tăng tiết kiệm. Thứ ba, giá xăng dầu thấp giúp cho chỉ số giá cả, lạm phát, được kiểm soát chắc chắn hơn. Đây là cơ hội để chúng ta tính đến những khía cạnh khác về tiền tệ, như lãi suất, tỷ giá hối đoái. Về trung hạn, giá dầu giảm là tích cực đối với nền kinh tế vì khuyến khích được sản xuất. Những chi tiêu liên quan đến năng lượng của Chính phủ cũng được thu hẹp lại.
Còn mặt tiêu cực, tất nhiên giá dầu thô thấp sẽ ảnh hưởng đến những ngành liên quan tới sản xuất dầu, các doanh nghiệp cung ứng dầu, ngành dầu khí, ngân sách. Phần ngân sách liên quan tới nguồn thu từ dầu khá lớn, nên bị ảnh hưởng rất mạnh.
Hai mặt tích cực và tiêu cực đều rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính hoặc Bộ KH-ĐT cần phải tính toán cụ thể, đưa ra những kịch bản lợi, hại như thế nào, chẳng hạn nếu sắp tới xuống còn 25, 20 USD/thùng thì sao. Nếu không giá giảm xuống thấp hơn nữa sẽ đối phó không kịp.
* Kể từ tháng 6.2014 đến nay giá dầu đã giảm 70%, giá xăng cũng đã giảm khá mạnh nhưng tác động lên nền kinh tế là hạn chế, bằng chứng giá cước vận tải vẫn còn rất cao. TS nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Nếu chúng ta không có một hệ thống quản lý giá thật tốt thì khó can thiệp hành chính vào vấn đề giá cước được. Thật ra, nhiều người hay kêu về sự can thiệp của nhà nước vào giá cả, nhưng đối với giá cước lại rất cần sự ra tay của nhà nước. Giám sát thị trường là phải có biện pháp điều tiết mang tính hành chính. Biện pháp đó phải công tâm để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng năng lượng. Ở ta quyền của người tiêu dùng không tốt lắm. Ví dụ, một hãng taxi, hãng vận tải không giảm giá cước tương ứng theo giá xăng dầu giảm, người tiêu dùng có quyền đòi hỏi và cơ quan quản lý phải xử lý ngay lập tức. Chế tài của nhà nước phải đủ mạnh để bảo vệ lợi ích thị trường. Nếu xăng dầu giảm sâu như vậy mà không đi vào được sản xuất thì không mang lại hiệu quả bao nhiêu cho nền kinh tế. Bởi quyền lợi đã rơi vào nhóm lợi ích, nhóm người nhất định chứ không phải cho mọi người. Một khi lợi ích bị méo mó và xã hội không được lợi thì nền kinh tế vẫn cứ èo uột.
* Năm 2016 được dự báo giá dầu thế giới vẫn tiếp tục biến động theo chiều hướng giảm mạnh, kinh tế VN sẽ phải đối phó với tình hình này như thế nào, thưa TS?
- Dự báo giá dầu xuống thấp trong năm 2016 là tương đối rõ ràng vì các biến số tác động lên giá dầu gần như đã được xác định, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. OPEC quyết định không giảm sản lượng, đồng USD tăng giá, một số nền kinh tế lớn đà tăng trưởng không mạnh như trước… Đó là những yếu tố khiến cho khả năng tiêu thụ giảm đi và làm cho giá dầu sẽ giảm sâu. Chưa kể đằng sau giá dầu còn có những ý đồ chính trị khác để làm suy yếu một số nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, nhất là Nga. Nếu giảm sâu chúng ta phải tính tới chuyện làm sao cho doanh nghiệp VN được hưởng lợi, người dân được hưởng lợi. Hưởng lợi ở đây không phải chỉ có chuyện người dân có được nhiều xăng giá rẻ, mà nghĩ ở khía cạnh người dân tiết kiệm được từ chi tiêu nhiên liệu để tăng tiết kiệm quốc gia lên. Còn nguồn thu ngân sách, cái chính là chính sách điều tiết giá của chúng ta như thế nào, giảm nhưng không khiến ngân sách mất nguồn thu, đừng để cho doanh nghiệp, người dân chịu thiệt. Thứ ba, chắc chắn yếu tố giá cả trong nước giảm xuống nhưng không giảm phát, không lo thiểu phát.
Giá giảm là cơ hội để ta tính đến hai biến số vĩ mô quan trọng là tỷ giá, lãi suất, trong đó tỷ giá đặc biệt quan trọng đến kinh tế VN. Năm 2015 chúng ta xử lý độ vênh về tỷ giá của tiền đồng với nhiều đồng tiền khác trong khu vực quá lớn, nên lạm phát 2016 thấp là cơ hội để VN điều chỉnh tỷ giá cân bằng hơn mà không gây ra cú sốc. Thứ hai, phải tính để làm sao giảm một phần lãi suất cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề tôi cho rằng sẽ tác động cơ bản và chủ yếu tích cực lên nền kinh tế mà chính sách ta phải tính đến.
Theo kinh nghiệm từ xưa đến nay, mỗi lần có biến động lớn về giá xăng dầu thì bao giờ cũng đi liền với một thế hệ công nghệ năng lượng mới ra đời. Chúng ta bám sát để có những phép tính chiến lược trong nền kinh tế hội nhập, biến cố bước ngoặt mà ta tính không kỹ, phản ứng không tốt có thể thiệt hại về mặt dài hạn rất lớn.
Bình luận (0)