Đó là lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 27 khai mạc hôm nay 21.11 tại Malaysia.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự hội nghị ngày 20.11 - Ảnh: Lam Yên |
Ngày 20.11, tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) tiếp tục diễn ra các hội nghị thuộc khuôn khổ đợt Hội nghị cấp cao ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á (21 - 22.11) với sự tham dự của lãnh đạo 10 thành viên của khối cùng 8 đối tác đối thoại Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc.
Kết thúc Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN lần 13 và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần 17, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng việc duy trì hòa bình ổn định và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Các ngoại trưởng cũng tiếp tục bày tỏ quan ngại về những diễn biến hiện nay, kêu gọi các bên kiềm chế và nhấn mạnh sự cấp thiết phải thực hiện hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như là thúc đẩy xây dựng hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Bên lề hội nghị, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhận định tình hình Biển Đông gần đây rất đáng quan ngại, nhất là hành động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp đã đi ngược tinh thần và quy định tuân thủ DOC, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.
Vì vậy, việc sớm hoàn thành COC là vấn đề rất cấp thiết. Đối với ASEAN, đây phải là bộ quy tắc đủ ràng buộc về pháp lý, đủ khả năng không chỉ ngăn chặn mà còn xử lý những tình huống diễn ra trên Biển Đông. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về quan điểm của ASEAN tại hội nghị lần này đối với việc xây dựng COC, Tổng thư ký Lê Lương Minh nói: “Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đang trong giai đoạn tham vấn về các điều khoản trong COC kể cả những yếu tố có tính nhạy cảm cao. Lập trường của ASEAN là phải có mục tiêu, mốc thời gian cụ thể trong quá trình tham vấn để hoàn thành COC”.
Malaysia báo động an ninh
Thông tin “ít nhất 10 kẻ đánh bom tự sát có thể đang ở Kuala Lumpur và 8 nơi khác tại Malaysia” đã đặt lực lượng bảo vệ Hội nghị cấp cao ASEAN trong tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, chỉ huy cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar chỉ cho biết: “Đã có một số báo cáo về nguy cơ khủng bố có thể xảy ra tại Malaysia và chúng tôi đang xác minh thông tin”.
Trước đó, nguồn tin an ninh Malaysia tiết lộ nhóm vũ trang MILF tại Philippines cùng nhóm Abu Sayyaf đã bắt tay với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) để đưa một số tay súng xâm nhập Malaysia. Hiện nay, sau vụ tấn công đẫm máu tại Pháp, Malaysia đã lần đầu tiên huy động lực lượng lên đến 4.500 binh sĩ và 4.000 nhân viên an ninh cùng đơn vị đặc nhiệm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đợt hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Malaysia
Ngày 20.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao VN đã đến Kuala Lumpur để tham dự đợt Hội nghị cấp cao ASEAN và các sự kiện liên quan. Đợt hội nghị năm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng khi lãnh đạo các thành viên ASEAN sẽ ký các văn kiện về hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, bước ngoặt lịch sử mới trong quá trình phát triển của khối. Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak cho biết với sự hình thành Cộng đồng ASEAN, chậm nhất là đến năm 2050, Đông Nam Á sẽ là thị trường lớn thứ tư trên thế giới.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự tiệc tối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
|
Nhiều thách thức cho lao động VN khi ra “biển lớn”
Ngày 20.11, Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội thảo về Giá trị cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN 2015 tại TP.HCM. Theo Vụ trưởng Lê Kim Dung, Cộng đồng văn hóa - xã hội là một trong 3 cột trụ chính của Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời vào cuối năm nay, bên cạnh Cộng đồng chính trị - an ninh và Cộng đồng kinh tế.
Với bước ngoặt này, lao động VN sẽ có thêm nhiều cơ hội về việc làm trong nước lẫn nước ngoài, được học hỏi chuyên môn, kinh nghiệm từ ASEAN. Song song đó, lao động VN sẽ phải nỗ lực vượt bậc để khắc phục các điểm yếu về tay nghề, chuyên môn lẫn vốn sống để thật sự hội nhập. Việc nắm rõ văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo... của các nước bạn trong cộng đồng cũng hết sức quan trọng. Chẳng hạn như theo Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế Hà Minh Đức, một số lao động khi ra nước ngoài vẫn duy trì thói quen giết chó để ăn thịt, khiến nhiều người bản xứ có cái nhìn không thiện cảm đối với lao động VN...
Bên cạnh đó, theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) 2009 - 2015 đã có sự tham gia rộng rãi và tích cực của 12 bộ ngành liên quan với khoảng 99% các dòng hành động của ASCC đã được giải quyết.
Danh Toại
|
Bình luận (0)