Luật hóa nhiều nội dung
Trong Tờ trình đề nghị xây dựng luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến năm học 2020-2021, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.402.469 người. Trong đó, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông, ĐH là 1.318.510 (biên chế 1.059.729, hợp đồng 48.662, ngoài công lập 123.996). Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 1.190.443 giáo viên (công lập 1.108.391, ngoài công lập 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662).
Nhiều ý kiến cho rằng luật Nhà giáo cần có quy định cụ thể về việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo |
đ.n.t |
Trong khi đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 83.959 nhà giáo, cụ thể 37.235 nhà giáo trong các trường CĐ, 13.295 nhà giáo trong các trường trung cấp, 23.086 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và có gần 10.343 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo Bộ GD-ĐT, tình hình thực tế các chính sách tiền lương còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo, chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và tham gia tuyển dụng nhà giáo nên một số môn học, cấp học còn xảy ra tình trạng thiếu nguồn nhân lực để tuyển dụng.
"Do vậy, việc xây dựng luật Nhà giáo là thực sự cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước", tờ trình của Bộ GD-ĐT nêu.
Theo đó, các nội dung được luật hóa trong luật Nhà giáo sẽ bao gồm khái niệm nhà giáo, vị trí vai trò nhà giáo; các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo; quy trình tuyển dụng, xếp loại đánh giá, tiền lương, phụ cấp, chế độ hưu trí; danh hiệu thi đua khen thưởng, tôn vinh nhà giáo...
Danh dự nhà giáo cần được bảo vệ
Sau khi Tờ trình này được đưa ra, có nhiều ý kiến đóng góp cho luật Nhà giáo được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Bà Đoàn Thị Sen ([email protected]), cho rằng nhà nước cần chăm lo, có chính sách đãi ngộ cho giáo viên ở vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
"Bên cạnh đó, các chính sách chăm lo, tiền lương... cho những người làm trong ngành giáo dục ở các thành phố lớn, nơi có mức sống cao, giá cả đắt đỏ... chưa thấy thể hiện cụ thể trong dự thảo nên tôi kiến nghị khi xây dựng luật Nhà giáo cần đưa các chính sách quan tâm, đãi ngộ cho cả giáo viên ở các thành phố lớn cho tương xứng với thực tế cuộc sống hơn. Đặc biệt cũng cần đưa ra các quy định cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của giáo viên", bà Sen cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ ([email protected]) cũng cho rằng nhà nước cần ban hành những điều luật rõ ràng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của giáo viên. "Nếu phụ huynh có những hành vi thái độ bôi nhọ, xúc phạm đến giáo viên thì phải phạt hành chính nặng nề", bà Mỹ đề xuất.
Cũng góp ý về vấn đề lương, bà Đinh Thị Ngọc Hà ([email protected]) mong muốn giáo viên được hưởng lương theo số nhiệm vụ và công việc được giao, không hưởng bình quân theo hệ số như hiện nay.
"Đồng thời không lấy chỉ tiêu lên lớp để đánh giá giáo viên. Không cho phép dạy thêm với điều kiện thay đổi hình thức thi kiểm tra, thay đổi cách đánh giá, không đòi hỏi học sinh phải giỏi nhiều môn như hiện nay. Ngoài ra, giáo viên phải được cung cấp trang phục và văn phòng phẩm đủ để phục vụ cho công việc dạy và học, tránh việc phải tự mua sắm với khoản chi phí không nhỏ", bà Ngọc Hà góp ý.
Bình luận (0)