Như Thanh Niên đã thông tin, liên quan đến thông tin thư ngỏ vận động học sinh (HS) xem phim Đất rừng phương Nam của Trường THCS Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM), chiều 16.10, trường đã tổ chức họp báo về sự việc này.
Bà Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi, xác nhận trường có dự kiến phát hành thư ngỏ đến phụ huynh (PH) về việc xem phim Đất rừng phương Nam như một cách triển khai hoạt động trải nghiệm trong hoạt động giáo dục tại nhà trường. Thư ngỏ này mới chỉ triển khai đến giáo viên chủ nhiệm các lớp.
Sau khi nhà trường nắm bắt tình hình dư luận phản hồi đa chiều về bộ phim trong quá trình công chiếu nên đã dừng lại việc phát hành thư ngỏ và thu hồi toàn bộ thư ngỏ. Hiện nay, nhà trường đã dừng hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn cho HS khối 8, 9 thông qua hình thức xem phim này.
Bà Ngọc Sương cũng cho biết: "Ban giám hiệu nhà trường nhận toàn bộ trách nhiệm về sự sai sót này".
Về lý do dừng hoạt động này, bà Sương nói do các yếu tố như thời gian và thể thức phát hành văn bản chưa hoàn chỉnh, một phần do bộ phim có các ý kiến khác nhau và hoạt động chỉ tổ chức khi có ý kiến đồng thuận của tất cả HS. Khi nào có sự đồng thuận của toàn bộ PH thì nhà trường sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm.
Bà Ngọc Sương cũng cho hay đây là hoạt động trải nghiệm nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường với nhiều hình thức khác nhau. Nhà trường đã tin tưởng vào sự cho phép của các cơ quan chức năng khi cho trình chiếu bộ phim này tại TP.HCM và trên cả nước. Theo bà Sương, khi lên kế hoạch, nhà trường đã đưa hoạt động này vào tổ chức hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho HS tiếp xúc với bộ phim điện ảnh sau khi tham gia tiết đọc sách về tác phẩm này của nhà văn Đoàn Giỏi.
Đừng đưa PH và HS vào thế bị ép buộc !
Nhiều bạn đọc (BĐ) là PH bức xúc trước việc nhà trường vận động HS đi xem phim, trong khi bộ phim đang có nhiều ý kiến khác nhau.
BĐ [email protected] bức xúc cho rằng: "Nhà trường làm như vậy là đưa PH và HS vào thế bị ép buộc rồi. Trong khi đó, nội dung phim đã tách rời khỏi nguyên tác của tác giả, không còn giữ được cái tinh hoa của nguyên tác. Vì vậy cần xem xét lại liệu có hay không sự hợp tác giữa nhà phát hành phim và nhà trường nhằm tăng doanh số?". BĐ có nickname rmxIng1g7h cũng bức xúc: "Đọc nội dung tin nhắn qua Zalo thấy để từ "rất cần để trải nghiệm" là ý bắt buộc phải đi xem rồi. Hồi trước đi học chỉ cần trong lớp có máy chiếu là HS đủ để trải nghiệm và còn tiết kiệm chi phí nữa".
Các trường nói gì về việc tạm hoãn tổ chức cho học sinh đi xem ‘Đất rừng phương Nam’
Cùng ý kiến, BĐ Thai Binh Nguyen thắc mắc: "Sao nhà trường lại tích cực thế nhỉ? Sao không chiếu ở trường bộ phim truyền hình trước đây cho các em xem cũng được mà. Lại đi viết thư ngỏ kiểu này, trong khi bộ phim này không đúng với nguyên tác hay lịch sử".
Trong khi đó, BĐ Phuong Vuong dè dặt nhận xét: "Một tác phẩm văn học không nói hết lịch sử quê nhà. Bộ phim này chắc chắn không diễn tả hết bối cảnh lịch sử. Theo tôi biết, không chỉ riêng Trường Đồng Khởi muốn HS xem phim này đâu…".
Để các PH đồng thuận
"Tôi không rõ đã có ai trong các trường đó xem phim chưa? Hay chỉ mới "nghe nói, nghe kể" là chính? Muốn khuyên người khác xem phim, thì trước hết mình phải xem đã, để biết phim hay dở thế nào, có nên cho HS trải nghiệm hay không, HS có học hỏi được gì lý thú không… Muốn vận động HS xem phim như "một cách triển khai hoạt động trải nghiệm trong hoạt động giáo dục tại nhà trường" thì lại càng phải xem trước, xem kỹ để có tham mưu đúng, mới thuyết phục được HS và PH đồng thuận", BĐ Yen Linh góp ý.
BĐ Bao Quoc Ng. góp ý: "Việc nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, ví dụ như việc tổ chức cho HS đi xem phim nói chung, là cần thiết. Tuy nhiên, khi có nhiều ý kiến về bộ phim Đất rừng phương Nam, nhiều PH chưa đồng thuận, nhà trường đã dừng hoạt động này. Tôi nghĩ qua lần này, nhà trường sẽ rút được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sau này".
"Thư ngỏ còn có sai sót về thời gian và thể thức phát hành. Cần thuyết phục PH trước để mọi người đồng thuận rồi hãy tổ chức hoạt động. Hết sức tránh việc "vận động" mà như "ép buộc", điều này rất phản cảm và dễ gây tác dụng ngược", BĐ Minh ý kiến.
Trải nghiệm chắc là thú vị lắm... Nhưng dựa vào đâu cho rằng phim hay tới mức đáng để xem thay vì đọc tác phẩm gốc?
Bin Kuu
Đồng ý với cách làm này của trường. Tuy nhiên nên lựa chọn phim hợp lý và có thể chiếu tại trường qua màn hình để HS coi miễn phí, vì đây cũng là một phần trách nhiệm giáo dục của trường.
H.K
Nên cho HS xem phim Đất rừng phương Nam phiên bản cũ (bản truyền hình).
dokien.cons
Bình luận (0)