Tại buổi tọa đàm, ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng - nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa T.Ư, khẳng định sự cần thiết khi Hiến pháp xác nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Tuy vậy, trong điều 4 vẫn chưa nêu rõ ai là người thay mặt Đảng chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vì thế, cần bổ sung thêm câu: “Tổng bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam là người chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện quy định ở điều 4”.
Về trách nhiệm giám sát hoạt động của Tổng bí thư, ông Tân đề nghị ở điều 120 (chương 10) nên bổ sung: “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra việc thực hiện quy định ở điều 4 của Tổng bí thư”. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết theo điều 120 (chương 10) thì Hội đồng Hiến pháp chỉ là cơ quan do Quốc hội thành lập. Hội đồng này không phải là một thiết chế có địa vị pháp lý độc lập để thực hiện chức năng tài phán Hiến pháp. Các Hiến pháp trước đây đều có quy định chung về giám sát Hiến pháp. Thế nhưng, do quy định thẩm quyền phân tán cho nhiều cơ quan nhà nước từ T.Ư đến địa phương nên hiệu quả không cao. Vì vậy, nên thành lập Tòa án Hiến pháp chuyên trách và độc lập thay cho Hội đồng Hiến pháp. “Với Tòa án Hiến pháp, chúng ta sẽ có một thiết chế độc lập được Hiến pháp tạo ra. Đây là thiết chế hữu hiệu và có đầy đủ quyền lực để phán quyết về những hành vi vi hiến, đảm bảo sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các nhánh quyền lực”, ông Hậu nói.
Nguyễn Tập
Bình luận (0)