Cần công bằng, minh bạch trong tiếp cận nguồn lực

11/01/2020 08:38 GMT+7

Đó là vấn đề được nhiều đại diện các doanh nghiệp (DN) nêu lên tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF).

Diễn đàn tổ chức ngày 10.1 tại Hà Nội với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng DN FDI trong phát triển nhanh và bền vững”.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng ghi nhận khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế Việt Nam. Năm 2019, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỉ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Bộ trưởng Dũng khẳng định, chủ đề của diễn đàn lần này là để nhấn mạnh vai trò trách nhiệm đóng góp của DN FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam, nhất là trách nhiệm tạo mối liên kết, hợp tác với DN trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã đưa ra một số kiến nghị như cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hậu đăng ký DN, liên thông hoặc kết hợp các thủ tục hành chính để các DN có thể làm nhiều thủ tục cùng một lúc; có thể bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu DN.
Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả mà trong đó coi trọng sự đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại và đầu tư chất lượng cao. Các nội dung cụ thể như chính sách thuế cần ổn định và công bằng; hiện đại hóa hải quan, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại, cấp quyền sử dụng đất nhanh và minh bạch...
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sắp tới, Thủ tướng sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.