Căn cước và cải cách hành chính

30/10/2014 05:05 GMT+7

Mỗi công dân VN từ khi sinh ra sẽ có một số định danh cá nhân và số này sẽ đi theo họ suốt cuộc đời. Đó là tinh thần chính của dự luật Căn cước công dân và luật Hộ tịch mà QH đang xem xét. Như vậy, thẻ căn cước công dân với số định danh cá nhân sẽ giúp thay đổi căn bản phương pháp quản lý dân cư của chúng ta.

Nhưng trong phiên thảo luận cuối cùng, trước khi QH thông qua 2 dự luật này vào ngày 20.11 tới đây, vẫn còn 2 vấn đề chưa được làm rõ: Thẻ căn cước công dân sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ (trong số 9 loại giấy tờ hành chính) hiện nay và cấp thẻ căn cước có thay thế giấy khai sinh truyền thống hay không?

Luật Căn cước công dân quy định cấp căn cước công dân cho trẻ khi làm thủ tục khai sinh (chứ không cấp giấy khai sinh), trong khi luật Hộ tịch thì vẫn duy trì việc cấp giấy khai sinh cho trẻ đến năm 14 tuổi.

Bộ Tư pháp (chủ trì luật Hộ tịch) thì cho rằng vẫn cần cấp giấy khai sinh vì đó để chứng nhận sự kiện ra đời của đứa trẻ, đó có thể là công dân VN và cũng có thể là công dân nước ngoài sinh ra tại VN. Đến khi trẻ đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ căn cước với đầy đủ thông tin cá nhân và đặc điểm nhận dạng.

Cả 2 dự luật đều do Chính phủ trình, vì vậy nhiều ĐBQH thắc mắc, tranh luận tại sao không có sự nhất quán trong quá trình soạn thảo?

Dù là trình tự nào thì kết quả cuối cùng cũng phải là: Mỗi công dân VN khi sinh ra được cấp một mã số định danh, con số ấy được tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia và theo họ suốt đời, khi thực hiện các thủ tục hành chính với nhà nước.

Hiện nay, chưa có cơ quan chức năng nào chính thức trả lời QH và ĐBQH câu hỏi bao nhiêu loại giấy tờ có thể được thay thế bởi thẻ căn cước (thực chất là quá trình tích hợp các loại giấy tờ vào thẻ căn cước). Nhưng kinh nghiệm của nhiều nước thì có ít nhất 4 loại giấy tờ (công) sẽ có thể được tích hợp (vì cùng sử dụng mã số công dân - hiện nay là số CMND) bao gồm: mã số thuế cá nhân, giấy phép lái xe (ô tô, mô tô), thẻ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế. Còn như Malaysia, một số giấy tờ tư cũng được tích hợp.

Ngoài ra, thẻ căn cước công dân cùng với cơ sở dữ liệu công dân (gồm 22 thông tin cá nhân) sẽ giúp công dân không cần phải xuất trình giấy tờ gốc, nộp bản sao giấy tờ công dân hoặc điền mẫu đơn, tờ khai để cung cấp thông tin cá nhân khi làm việc với cơ quan nhà nước. Với khoảng 600.000 lượt thực hiện thủ tục hành chính trên toàn quốc mỗi ngày, chi phí tiết kiệm được từ việc rút bớt các thủ tục giấy tờ ấy lớn biết bao.

Vấn đề là chúng ta sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia như thế nào để tạo ra “cuộc cách mạng” về thủ tục hành chính, như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng mong muốn.

 

Thấy lợi thì nên làm sớm

Đa số ý kiến bạn đọc là nên sớm thực hiện việc cấp thẻ căn cước thay cho CMND, sau khi đọc bài Căn cước và cải cách hành chính đăng trên Thanh Niên ngày 30.10.

Dễ cho việc quản lý

Khi mỗi công dân VN có một số định danh cá nhân gắn bó đến suốt đời thì công tác quản lý sẽ rất thuận tiện. Chỉ cần một cú nhấp chuột là mọi vấn đề về nhân thân, lý lịch, thuế thu nhập cá nhân được nối mạng thông suốt, giảm thủ tục hành chính cho người dân, lại đỡ tốn nhân lực, chi phí ngân sách cho bộ máy nhà nước.

Trần Khánh Trang
([email protected])

Nên có sự nhất quán

Hiện nay luật Căn cước công dân quy định cấp giấy căn cước cho trẻ chỉ làm thủ tục khai sinh, còn luật Hộ tịch vẫn duy trì việc cấp giấy khai sinh cho trẻ đến năm 18 tuổi. Để không xảy ra tình trạng không nhất quán như các ĐBQH đang lo lắng, theo tôi nên cấp giấy khai sinh và có số căn cước luôn nhưng phải đến tuổi 14 mới được cấp thẻ với đầy đủ thông tin và đặc điểm nhận dạng, vì khi trẻ từ nhỏ lớn lên sẽ có nhiều thay đổi lớn khó kiểm soát. Như vậy sẽ phù hợp hơn.

Ngô Viết Trường
([email protected])

Phải đảm bảo bí mật cho công dân

Áp dụng thẻ căn cước như nước ngoài là điều quá tốt, có lợi cho người dân. Tuy nhiên quyền thông tin cá nhân của công dân phải được bảo đảm chứ  không sẽ bị tung tràn lan trên mạng như thuê bao điện thoại thì chết. Phải có cách đảm bảo các dữ liệu của công dân luôn được bảo mật.

Nguyễn Cao Sơn
([email protected])

Phạm Thị Nữ
Với hàng trăm ngàn lượt thực hiện thủ tục hành chính mỗi ngày trên cả nước, kinh phí tiết kiệm được sẽ rất lớn, nạn tiêu cực nhũng nhiễu cũng sẽ hết đất sống.

Phạm Thị Nữ
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Nguyễn Hồng Thương
Tôi rất đồng tình với phát biểu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng là phải tạo ra “cuộc cách mạng về thủ tục hành chính”. Nếu luật sớm đi vào cuộc sống thì với tấm thẻ căn cước, người dân sẽ được thuận tiện hơn trong việc giao dịch.

Nguyễn Hồng Thương
(TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk)

Công Sơn
 (thực hiện)

An Nguyên

>> Đề nghị không cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi
>> Có căn cước công dân, vẫn phải có Giấy khai sinh
>> Có thẻ căn cước thì phải cắt hết giấy tờ gây phiền hà cho dân
>> Quốc hội sẵn sàng đầu tư cho căn cước công dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.