Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một câu nói ngắn gọn: “ Văn hóa soi đường cho quốc dân đi ”, thì tự thân văn hóa phải biết soi sáng, phải tự phát sáng, phải trở thành ngọn đuốc soi đường. Và ánh sáng ấy phải thâm nhập vào mỗi con người, vào cả dân tộc, để mỗi người và cả đất nước có thể tự phát sáng, hòa vào ánh sáng chung của nhân loại.
Tại sao khi nói đến nước Pháp, người ta phải nhắc ngay đến “Thế kỷ Ánh sáng”, “Thời đại Ánh sáng”, và thủ đô nước Pháp là “Kinh đô Ánh sáng”? Đây hoàn toàn không nói đến đèn đường ở Paris, mà nói tới ánh sáng văn hóa của Paris, của nước Pháp. Phải có bao nhiêu danh nhân, bao nhiêu nhà triết học, bao nhiêu văn nghệ sĩ lỗi lạc, bao nhiêu thiên tài trong các lĩnh vực văn hóa văn nghệ, cùng với cả dân tộc mới làm nên “thương hiệu Ánh sáng” này.
Đúng là trong vài ba thế kỷ, từ trước, trong và sau Cách mạng Pháp 1789, ánh sáng văn hóa đã soi đường cho cộng đồng, dân tộc, đất nước Pháp phát triển mạnh mẽ về văn hóa, trở thành trung tâm hội tụ văn hóa châu Âu và thế giới. Khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mà Cách mạng Pháp 1789 khởi xướng đã trở thành khát vọng văn hóa mang tính nhân loại, phổ cập tới toàn cầu.
Trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776 nhấn mạnh thêm quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Những quyền đó cũng bao hàm quyền được có văn hóa.
Bây giờ, có thể về kinh tế, Pháp chưa phải là cường quốc số một, nhưng không ai có thể phủ nhận ánh sáng soi đường của văn hóa Pháp đối với châu Âu và thế giới.
Trong khi đó, tại đất nước chúng ta, ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ xâm lược, hình ảnh Việt Nam được bạn bè trên thế giới coi là một biểu tượng của lương tri. Mà lương tri là gì, nếu không phải là cốt lõi của văn hóa?
Chính vì thế, trong chiến tranh, người Việt Nam yêu nước đã sống, chiến đấu, hy sinh như những chiến sĩ của Tự do và Văn hóa. Trong đời sống hết sức khổ cực thời chiến, người Việt đã nhường cơm sẻ áo, cưu mang đùm bọc nhau để cùng tới ngày hòa bình.
Bây giờ cũng vậy. Trong đại dịch Covid-19 tàn hại cả thế giới, người Việt lại nâng cao tinh thần đồng bào, đoàn kết cùng nhau, tương thân tương ái để cùng vượt qua ách nạn.
Trả lời phỏng vấn trên báo mới đây, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã nói về phát triển văn hóa: “Trong tự nhiên hay trong xã hội, không có gì là bỗng dưng mà có. Có gieo trồng mới mong gặt hái. Có chăm sóc tốt mới hy vọng được mùa. Nhân nào thì quả ấy”.
Để xây dựng một nền văn hóa đích thực, cần khơi dậy một khát vọng xã hội về văn hóa, cần để mỗi người dân tự hào khi biết sống “nhân nghĩa lễ trí tín” như ông cha mình. Văn hóa là một truyền thống, gieo trồng văn hóa đòi hỏi không chỉ tâm sức, mà còn là thời gian, sự kiên trì, bền bỉ, khát vọng sống tốt đẹp. Phải vận động, khơi dậy cái “nội sinh văn hóa” ở ngay trong mỗi người dân, để điều đó trở thành những phẩm chất, tiêu chí bình thường trong xã hội, mà mỗi người tự thấy mình nên sống theo đó, để văn hóa dẫn dắt mình trong cuộc sống hằng ngày.
Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của ông Phạm Quang Nghị khi định danh, đánh giá về văn hóa: “Con người và văn hóa là không thể tách rời nhau. Chỉ có con người mới suy nghĩ, thực hành, giao tiếp, ứng xử theo quy ước, chuẩn mực, thói quen văn hóa. Văn hóa là mục tiêu phấn đấu, hoàn thiện con người. Con người là chủ thể xây dựng, phát triển văn hóa. Để đánh giá từng con người hay cộng đồng người, hơn, kém, cao thấp theo các thước đo giá trị, thì bao giờ tiêu chí văn hóa cũng được đặt lên hàng đầu. Mọi người khó nhận biết ai đó hằng ngày ăn, ở tiện nghi cao sang đến đâu, nhưng rất dễ nhận biết văn hóa của người đó như thế nào. Xét rộng ra, với một cộng đồng, một quốc gia, dân tộc cũng vậy, văn hóa là một thứ căn cước mang theo những giá trị và bản sắc riêng, dễ dàng nhận biết”.
Vâng, mỗi khi ra nước ngoài, chúng ta không phải xuất trình “căn cước văn hóa” này để người ta kiểm tra, nhưng chỉ cần thể hiện mình là người thế nào, thì người ta biết ngay chúng ta có sở hữu “căn cước văn hóa” ấy hay không.
Với một cộng đồng, một dân tộc cũng như vậy. Những ứng xử của họ ở nước ngoài sẽ chứng tỏ họ có văn hóa ở mức độ nào. Và điều đó ảnh hưởng trực tiếp, tốt hoặc xấu, tới dân tộc của họ, đất nước của họ.
Thước đo văn hóa không phải bằng tiền hay vàng. Cũng không phải ở nước lớn hay nước nhỏ. Cũng không ở “quyền lực hộ chiếu”. Và không tính theo bằng cấp hay uy quyền. Thước đo văn hóa nằm ở đạo đức, lòng nhân ái, sự chân thành và thật thà trong ứng xử, sự bình đẳng và tình yêu thương giữa con người với nhau.
Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.2021), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu”.
Tính bao trùm của văn hóa nằm ở chỗ đó.
Bình luận (0)