Cần đào tạo cho Ban quản trị chung cư và cả chính quyền địa phương

11/03/2021 14:34 GMT+7

Nhiều thành viên Ban Quản trị (BQT) không có kiến thức về luật và ngay cả UBND phường các địa phương cũng vận dụng luật khác nhau khiến quyền lợi cư dân bị xâm phạm.

Tại hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 11.3, bà Phạm Thị Phúc, cư dân chung cư Central Garden (Quận 1, TP.HCM), cho hay chung cư đã ở 13 năm mà chưa bao giờ được sửa chữa vì lý do không có phí bảo trì 2%. Chung cư nằm giữa trung tâm quận 1 mà rác thối um, nước nhỏ giọt... kêu không ai sửa. Vậy vấn đề này xử lý thế nào? Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Châm, cư dân của chung cư Phú Hoàng Anh, lo lắng về việc những cư dân khác có thể có hành động bất lợi khi bà nhận nhà đã mua.
Trả lời những thắc mắc trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Quản lý Nhà và Công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), cho rằng trong trường hợp của bà Nguyễn Thị Châm, người có trách nhiệm bàn giao căn hộ cho bà là chủ đầu tư, không ai có quyền ngăn cản bà tiếp nhận và sử dụng tài sản hợp pháp của bà.
Riêng về tỷ lệ lấy ý kiến cư dân để tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường đã có quy định là 50%, nhưng có ý kiến tỷ lệ này rất khó nếu chung cư đa số là cho thuê. Điều này Sở sẽ ghi nhận. Điều 108 của Luật nhà ở có quy định rõ việc chung cư không có quỹ bảo trì 2% hoặc quỹ bảo trì đã hết thì cư dân sẽ đóng. Nếu không có thì thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Về năng lực quản lý của các phường, ông Nguyễn Mạnh Hùng đồng ý vẫn còn hạn chế và Sở sẽ quan tâm thêm để  hàng năm tăng cường tổ chức họp, mời các báo cáo viên từ sở, từ các đơn vị khác để thông tin thêm về luật có liên quan.  
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhấn mạnh,  cư dân trong các chung cư trước hết phải hiểu quyền của mình để tự bảo vệ mình. Đầu tiên nên tham gia các cuộc họp của chung cư, không cử người giúp việc, không cử em cháu đi thay... Mô hình BQT nhà chung cư được tổ chức theo mô hình HĐQT trong công ty cổ phần hoặc Ban chủ nhiệm hợp tác xã. Trước đây quy định hội nghị nhà chung cư lần đầu phải có 75% cư dân nay sửa lại 50% và chỉ tổ chức 1 lần không thành thì phường đứng ra tổ chức là hợp lý. Cư dân khi bức xúc có căn cứ pháp luật, thực tiễn gửi lên phường thì không cần lấy ý kiến 50% nữa mà phường có thể tổ chức hội nghị bất thường. Do vậy, cư dân phải cố gắng tham gia các hội nghị này, tham gia tích cực trong các hoạt động chung. Khi đó BQT chung cư sẽ không dám làm sai, không dám tự tiện chủ trương những vấn đề bất lợi... Đồng thời, phải đào tạo cho thành viên BQT; cư dân bầu người có năng lực như có người trong BQT biết kế toán, có cơ chế giám sát để tránh chuyện “thụt két”, sai trái trong hoạt động của BQT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.