Sinh viên y ngồi hành lang bệnh viện nghe... thực hành

Cần đẩy mạnh cơ chế giám sát các chương trình đào tạo y khoa

27/07/2023 07:36 GMT+7

Nhiều trường ĐH tuyển sinh ngành y khoa với số lượng lớn, trong khi không đảm bảo đội ngũ giảng dạy và cơ sở thực hành khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đội ngũ bác sĩ sau khi ra trường.

GS-TS-BS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đã chia sẻ với phóng viên Thanh Niên xung quanh vấn đề này.

Cần đẩy mạnh cơ chế giám sát các chương trình đào tạo y khoa - Ảnh 1.

Sinh viên răng-hàm-mặt trong một buổi thực hành

PHẠM HỮU

LỚP HỌC VỚI KHOẢNG 500 SV THÌ CÁC EM THỰC HÀNH KIỂU GÌ !

Ông nhận định gì về thực trạng đào tạo y khoa ở VN hiện nay, thưa ông?

Đào tạo y khoa là đào tạo nghề đặc biệt. Khoảng 15 năm trước, số lượng trường đào tạo bác sĩ y khoa của VN chỉ khoảng 8 trường, nay cả nước đã tăng lên 32 trường. Số lượng sinh viên (SV) y khoa toàn quốc hiện nay khoảng 12.000 mỗi năm, tăng gấp gần 4 lần so với 15 năm trước. Tuy nhiên, số lượng bệnh viện (BV), đặc biệt các BV thực hành có tăng gấp 4 lần không là một dấu hỏi. Chỉ nói về số lượng thôi đã là dấu hỏi lớn.

Thực trạng đào tạo ngành y ở nhiều trường ngoài công lập là rất đáng lo ngại. Số lượng SV ngành y ở nhiều trường quá đông, giảng viên cơ hữu của trường dạy thực hành ở BV không có nhiều. Cơ sở vật chất cũng có nhưng việc đảm bảo mỗi SV đều có cơ hội thực hành không hay SV chỉ ngó, chỉ nhìn? Tôi từng thấy ở một trường cũng trang bị máy khá hiện đại. Nhưng việc tổ chức lớp học với khoảng 500 SV thì các em thực hành kiểu gì, nếu có thì cũng chỉ qua loa cho xong.

Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hệ thống đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng kém, hệ quả tất yếu sẽ dẫn đến hệ thống y tế bị suy yếu. Chất lượng nguồn nhân lực kém thì chắc chắn không thể có chất lượng hệ thống y tế tốt được.

Theo ông, thực trạng trên có nguyên nhân từ đâu?

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ thực tế SV ngành y ở một số trường hiện nay quá đông. Mà điều này lại xuất phát từ quy định mở mã ngành đào tạo bác sĩ y khoa chưa đúng với tính chất đặc thù của đào tạo y khoa. Dù Bộ GD-ĐT đã có những quy định đặc thù cho khối ngành đào tạo khoa học sức khỏe từ chương trình đào tạo, xác định chỉ tiêu, tuyển sinh đầu vào, đảm bảo chất lượng giáo dục… Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ mới có 5/32 chương trình đào tạo bác sĩ y khoa được kiểm định chất lượng giáo dục, do đó cần đẩy mạnh cơ chế giám sát đặc thù và chặt chẽ hơn nữa. Ví dụ về tỷ lệ SV/giảng viên, lĩnh vực y khoa cần cao hơn, chỉ nên ở mức 10/1. Ở các nước trên thế giới tỷ lệ trung bình khoảng 4 SV/giảng viên, thậm chí ở ĐH Y Harvard (Mỹ), tỷ lệ này là đảo ngược ở mức 10 giảng viên/SV.

Bên cạnh đó, hiện nay ở một số trường có tình trạng hòa lẫn chỉ tiêu giữa các ngành miễn sao không vượt quá tổng chỉ tiêu. Các trường tập trung dồn chỉ tiêu tuyển cho ngành y bằng chỉ tiêu của ngành khác. Điều này đặc biệt không được xảy ra với ngành học này để đảm bảo chất lượng đầu ra. Đồng thời, cần có giám sát rõ ràng về chất lượng giáo dục từ khâu mở mã ngành, tuyển sinh đến quá trình đào tạo…

Cũng cần nhấn mạnh một lần nữa, ngành y là một ngành đào tạo đặc biệt. Trong đào tạo ngành y, có câu nói "failure to fail" (tạm dịch là "thất bại trong việc đánh rớt"). Tức là có SV lẽ ra phải bị đánh rớt thì lại cho đậu. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Vì bác sĩ ra trường cần có đủ năng lực để cứu người. Hậu quả của đào tạo không tốt là rất lâu dài vì SV sau khi ra trường sẽ làm việc trong 40 - 50 năm tiếp theo sau đó. Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã nhấn mạnh đến chất lượng nguồn nhân lực y tế chứ không chỉ là số lượng nữa.

Cần đẩy mạnh cơ chế giám sát các chương trình đào tạo y khoa - Ảnh 2.

Sinh viên y khoa thực hành giải phẫu

LƯƠNG NGỌC

SAI LẦM VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

Thực trạng một phòng 18 bệnh nhân nhưng có tới 82 SV thực tập được ghi nhận tại một BV ở TP.HCM vừa qua, theo ông cần có giải pháp nào cho tình trạng này?

Câu chuyện đó cho thấy sự quá tải tại các cơ sở thực hành của SV lĩnh vực sức khỏe. Thực tế này có nguyên nhân trực tiếp từ việc các trường y dù được thành lập ở đâu cũng mong muốn gửi SV của mình về các BV ở TP lớn thực tập. Ví dụ hiện nhiều SV ngành y của các trường ở tỉnh… đang được gửi lên các BV tại TP.HCM để thực hành.

Dù các trường khi gửi SV lên TP lớn thực tập với mong muốn người học được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất, nhưng về mặt triết lý giáo dục là hoàn toàn sai, nhất là triết lý giáo dục trong lĩnh vực y tế. Việc cho phép thành lập trường y ở địa phương là vì mục tiêu phục vụ cho hệ thống y tế địa phương ngay trong quá trình đào tạo SV và sau khi SV tốt nghiệp ra trường.

Việc các SV trường y ở địa phương lên thực tập tại các BV ở TP lớn không chỉ không giúp SV hiểu rõ được sự vận hành của hệ thống y tế địa phương, cũng không giúp ích được gì cho BV thực hành trong quá trình thực tập cũng như sau này, mà còn tạo ra áp lực cực kỳ lớn cho các BV TP về tải lượng SV thực tập. Điều này phá hỏng toàn bộ hệ thống đào tạo thực hành tại hệ thống y tế của TP. Vì sự quá tải đó mà những trường muốn làm tốt cũng không thể làm tốt được. Để phù hợp với triết lý giáo dục y khoa, theo quan điểm của tôi, SV của trường đóng ở địa phương nào thì thực tập ở BV của địa phương đó và các vùng lân cận.

Cần đẩy mạnh cơ chế giám sát các chương trình đào tạo y khoa - Ảnh 3.

GS-TS-BS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Y Dược TP.HCM

HÀ ÁNH


MỖI TRƯỜNG Y PHẢI CÓ MỘT HOẶC NHIỀU BV THỰC HÀNH

Hiện có nhiều trường đào tạo ngành y khoa nhưng BV thực hành vẫn còn là dự án. Trong bối cảnh hiện tại, theo ông cần có giải pháp trước mắt nào để đảm bảo SV ngành y có đủ chỗ thực hành?

Hoạt động thực hành chỉ tốt nếu quan hệ giữa trường và BV tốt. Do đó, mối quan hệ này cần được quan tâm nhiều hơn. Ví dụ ở TP.HCM, hiện nay mỗi BV đều nhận SV từ nhiều trường khác nhau. Sự gắn bó của trường và BV trở nên lỏng lẻo vì thiếu sự cam kết của đôi bên.

Các trường ĐH tuyển sinh bao nhiêu chỉ tiêu ngành y khoa ?

Năm 2023, ngành y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM xét tuyển 256 chỉ tiêu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và 140 chỉ tiêu kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển 660 chỉ tiêu ngành học này.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến tuyển 240 chỉ tiêu ngành y khoa.

Trường ĐH Tân Tạo thông báo tuyển 120 chỉ tiêu ngành y khoa năm 2023 (cao gấp 3 - 4 lần chỉ tiêu của nhiều ngành khác tại trường).

Trong đề án tuyển sinh Trường ĐH Võ Trường Toản, ngành y khoa dự kiến tuyển 860 chỉ tiêu.

Mỗi trường y đều phải có một hoặc nhiều BV thực hành của riêng mình với giảng viên cơ hữu làm việc tại BV vừa tham gia khám chữa bệnh, vừa tham gia giảng dạy. Trường phải có giảng viên của mình làm việc ở các BV này. BV sẽ sử dụng giảng viên, học viên sau ĐH, SV như nguồn lực của BV. Mặt khác, một trong những nhiệm vụ của BV thực hành là đào tạo và sẽ tạo điều kiện cho công tác giảng dạy. Có như vậy mới tạo được sự gắn kết trường - viện và sự cam kết của đôi bên. Sự kết hợp của BV với một trường cụ thể trong đào tạo lĩnh vực sức khỏe cũng sẽ góp phần giúp giáo dục liên ngành tốt hơn, vì hành nghề trong lĩnh vực sức khỏe đòi hỏi kỹ năng làm việc theo nhóm và liên chuyên ngành. Giáo dục liên ngành ngay trong quá trình đào tạo tại trường là rất cần thiết.

Tuy nhiên, cần có quy định hỗ trợ tài chính trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có thể trích từ quỹ bảo hiểm y tế, hoặc trích từ nguồn thu của BV thông qua việc nhà nước có thể khấu trừ hoặc miễn thuế cho BV giảng dạy thực hành, thay vì đóng thuế thì có thể giữ phần kinh phí đó cho hoạt động đào tạo…

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nghiên cứu thêm việc bố trí các BV tại địa bàn làm nơi thực hành của một trường y cụ thể hoặc chuyển đổi BV hiện có thành BV trực thuộc các trường đào tạo y khoa. Mô hình này sẽ tương tự việc chuyển nguyên trạng BV Xây dựng từ Bộ Xây dựng cho ĐH Quốc gia Hà Nội để tổ chức lại thành BV thực hành nhằm phục vụ hoạt động đào tạo thực hành cho SV Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội). 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.