Ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 14.2, tại khoa Chi dưới, Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, hầu hết các phòng bệnh đều kín người. Dãy hành lang cũng được tận dụng để kê thêm giường cho bệnh nhân. Ngoài tình trạng quá tải, nhiều công trình của BV cũng xuống cấp. Tại dãy nhà của khoa Cột sống B, khoa Khớp, các bờ tường bong tróc từng mảng lớn, loang lổ. Ông Lê Văn Minh (53 tuổi, ở Đồng Tháp) đang nằm nghỉ trên chiếc giường xếp ở góc cầu thang khoa Khớp cho biết ông bị đứt dây chằng chéo chân và trật khớp tay do tai nạn lao động ở quê. Do phòng bệnh không còn giường trống, ông đành nằm tạm ở hành lang.
Không chỉ quá tải khu khám bệnh, điều trị nội trú mà bãi gửi xe BV cũng thường xuyên kín chỗ. Điểm đặc biệt là BV Chấn thương chỉnh hình nằm sát vách ký túc xá Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (931 - 937 Trần Hưng Đạo, Q.5, được xây dựng vào những năm 1960). Đến nay, tòa nhà ký túc xá này đã và đang xuống cấp rất trầm trọng nên nhiều bức tường, cột, ô văng đang trong tình trạng bị ngấm nước, bong tróc, thậm chí từng mảng bê tông bong ra, rơi xuống mái nhà khu vực mổ và khu hành chính BV Chấn thương chỉnh hình.
Trong khi đó, dự án xây khối nhà A của BV với tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng chưa biết khi nào mới khởi công. Giải pháp tạm thời là BV được thành phố cho sử dụng BV Truyền máu huyết học cơ sở Phạm Viết Chánh (Q.1) làm cơ sở 2 điều trị một số bệnh. Theo thông tin mới nhất, đã có chủ trương giao ký túc xá Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng về BV Chấn thương chỉnh hình. Tuy nhiên, lãnh đạo BV này cho rằng để có thể khởi công xây mới BV thì thời gian tính bằng năm vì có nhiều thủ tục cần tiến hành.
Liền kề BV Chấn thương chỉnh hình là BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đây cũng là BV tuyến cuối khu vực phía nam về bệnh truyền nhiễm. Thực tế, khoa Khám bệnh của BV này quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế của người dân. Tại khoa Khám bệnh, nhất là khu khám dịch vụ, trên tường cũng đầy vết loang lổ, nhiều chỗ nứt toác. Vết nứt lớn đến mức có thể nhìn thấy rõ cả lớp gạch bên trong. Trong khi đó dự án xây mới khu nội trú và khu cận lâm sàng của BV giai đoạn 2026 - 2030 với tổng mức đầu tư 1.489 tỉ đồng hiện vẫn nằm trên giấy vì chưa xong quy hoạch đất.
Cùng trong khu vực này, BV Tâm thần TP.HCM cũng đã xuống cấp. Tại khu vực chờ khám bệnh, các quầy thuốc và khu đóng tiền, người bệnh và người nhà chen chúc nhau trong không gian chật hẹp, chờ đợi đến lượt. Nhiều người phải đứng hoặc ngồi bệt dưới sàn, bậc thang mệt mỏi chờ đợi.
Cảnh tượng quá tải, đông đúc đã trở nên quen thuộc với những người khám bệnh định kỳ ở đây. Bà Nguyễn Thị Nhu (72 tuổi, ở Q.4) cho biết bà đi khám định kỳ do mất ngủ mỗi tháng một lần. Tình trạng đông đúc người, quá tải kéo dài cả ngày. "Có những ngày dòng người xếp hàng, ngồi la liệt kín cả lối đi, không nhìn thấy nền gạch luôn. Có hôm, người đến đông quá phải lấy số chờ đến ngày mai quay lại khám", bà Nhu nói. Theo bà, khu khám bệnh có diện tích nhỏ, tình trạng quá tải khiến không gian chật chội, ngộp thở, dễ lây bệnh chồng chéo.
"Theo tôi, các BV nên xây thêm một vài cơ sở nữa để có thể giãn bớt lượng người đổ về cùng một chỗ. Đâu cần xây ở trong trung tâm, bây giờ có xây BV ở nơi xa như H.Bình Chánh thì người dân cũng sẵn sàng đi khám chữa bệnh ở đó. Chỉ cần có BV thì dù xa đến đâu cũng không sợ ế", bà Nhu bày tỏ.
Cần nhiều chính sách đồng bộ
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, TP.HCM cũng còn một số khó khăn khác. Về nhân lực y tế, cần bổ sung một số chính sách đặc thù giúp thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chẳng hạn như chuyên viên cấp cứu ngoại viện. Một số chuyên khoa ít thu hút sinh viên như giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng, phục hồi chức năng… Ngoài ra, cần bổ sung loại hình nhân viên y tế chưa có trong luật Khám bệnh chữa bệnh, như trợ lý điều dưỡng, trợ thủ nha khoa… Một vấn đề khác là cần có cơ chế, hướng dẫn rõ ràng hơn để thu hút các nhà đầu tư, giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế.
Bình luận (0)