Cần đề xuất cơ chế khả thi cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

29/10/2020 08:22 GMT+7

Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, đường sắt kết nối các tỉnh Tây nguyên, ĐBSCL.

Chiều qua 28.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt là một trong những ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần ưu tiên phát triển nhanh, đi thẳng vào hiện đại, bền vững. Giai đoạn đến 2030, tiếp tục nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có (trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam); đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM... Nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến nối với các cảng biển, khu công nghiệp, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, đường sắt kết nối các tỉnh Tây nguyên, ĐBSCL.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng phát triển hệ thống đường sắt là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt đã lạc hậu. Cụ thể, hệ thống đường sắt hiện có phải cải tạo nâng cấp như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hệ thống đường sắt đô thị tiếp tục xây dựng theo quy hoạch, trong đó có Hà Nội, TP.HCM; hệ thống đường sắt nối Tây nguyên với miền Trung và TP.HCM; hệ thống đường sắt TP.HCM với miền Tây Nam bộ. “Không gian mở rộng hệ thống đường sắt Việt Nam còn nhiều, một đất nước không thể không có hệ thống đường sắt, nhất là có bờ biển trải dài trên 3.000 km, trong đó cần có hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”, Thủ tướng nói.
Dù vậy, Thủ tướng lưu ý cần có tư duy mới về chọn công nghệ, về huy động nguồn lực để một mặt giảm đầu tư công, mặt khác để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, huy động được nguồn lực xã hội. “Tính toán để phần nào thì theo hình thức PPP, phần nào thì đầu tư ngân sách nhà nước”, Thủ tướng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh cần có sự so sánh về suất đầu tư cũng như chuẩn bị mặt bằng cho các dự án này một cách chủ động, chứ không “nóng đâu phủi đó”.
Đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo để sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội, Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với tinh thần là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt, cũng như đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là đối với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Chiều cùng ngày, Thường trực Chính phủ đã họp về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến giữa tháng 11.2020, sẽ có từ 8 - 10 chuyên gia tư vấn của Pháp sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án; sau đó, phấn đấu trong tháng 12 hoàn thành nghiệm thu có điều kiện. Ông Thể cam kết sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng GTVT, Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP.Hà Nội phải tập trung sức lực, và các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất, trên tinh thần “an toàn phải đặt lên hàng đầu”, bởi nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Do đó, các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án hoàn toàn bảo đảm an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.