TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, đánh giá thời gian qua ngành du lịch Việt Nam quá chú trọng thành tích, mải chạy theo con số nên vô hình trung bị phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc, thị trường “đỏng đảnh” vì các chính sách khuyến khích công dân đi du lịch dễ thay đổi theo nhịp thở của chính trị.
Chưa kể việc khai thác tràn lan, “thượng vàng hạ cám” biến nhiều điểm đến trở nên nhếch nhác, mất hình ảnh, giảm thu hút đối với các nguồn khách khác. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, bằng chứng là dịch Covid-19 nổ ra, ngay lập tức ngành du lịch Việt Nam lao đao.
Theo ông Lương, dịch bệnh, khách Trung Quốc giảm là tin buồn nhưng ở một góc độ khác cũng là cơ hội để ngành du lịch thật sự nhìn nhận nghiêm túc lại mục tiêu, định hướng phát triển.
Khai thác khách Trung Quốc cần tập trung vào phân khúc cao cấp, cùng với đó quay lại các thị trường truyền thống có hiệu quả như Tây Âu, Bắc Mỹ. Đây là các đối tượng vừa tạo ra nguồn thu lớn, vừa không gây áp lực đến hạ tầng du lịch, xã hội. Việc tạm thời đóng cửa du lịch đối với khách Trung Quốc là dịp tốt để cải tổ, sàng lọc đối tượng khách, chấn chỉnh tình trạng “tour 0 đồng” tại nhiều địa phương thời gian qua. Không còn xô bồ quá đông khách Trung Quốc, các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh... sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho khách nội địa và khách quốc tế đến từ các quốc gia khác.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết việc mất cân đối nguồn khách, khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng đã được nhìn nhận từ lâu. Không phải đợi đến khi có dịch bệnh, ngay từ cuối năm 2018, Sở Du lịch TP.Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch nhằm thay đổi cơ cấu, cân bằng lại nguồn khách quốc tế.
Cụ thể, hiện TP đang triển khai mạnh mẽ các chương trình xúc tiến, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng tới thị trường Úc, Ấn Độ, Bắc Mỹ, Tây Âu và Nga, bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Các đường bay thẳng như Đà Nẵng - Doha nhằm vào thị trường khách Tây Âu hiện đang khai thác rất tốt, 1 tuần có 4 chuyến bay và đang dự kiến tăng lên 7 chuyến, bay hằng ngày.
Tháng 3 tới, chuyến bay thẳng đầu tiên từ Đà Nẵng tới Nga theo hình thức charter - thuê bao nguyên chuyến - cũng sẽ chính thức cất cánh. Với tần suất 10 ngày/chuyến, đường bay thẳng dự kiến sẽ giúp Đà Nẵng đón hơn 3.000 khách Nga trong 1 tháng. Các đường bay thẳng tới Ấn Độ cũng đã chính thức khởi động.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia du lịch Lã Quốc Khánh cho rằng việc cơ cấu lại thị trường chỉ mang tính chất ngắn hạn, bù lại phần nào lượng khách trong thời kỳ dịch bệnh. Về lâu dài, Trung Quốc vẫn là thị trường không thể bỏ vì họ là thị trường lớn nhất thế giới, mức chi tiêu lớn và ngay gần sát Việt Nam. Các hệ lụy như “tour 0 đồng” diễn ra trong thời gian qua chủ yếu là do quản lý điểm đến yếu kém, thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành và hiệp hội.
“Nếu kiểm soát tốt hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi, họ vẫn đến nước ta đông, vẫn xài tiền và phải đóng thuế. Do đó không nên đặt vấn đề thoát khách Trung mà phải tìm cách quản lý thật tốt để khai thác tối đa mọi nguồn khách”, ông Khánh nêu ý kiến.
Khách Nga đến Nha Trang vẫn ổn địnhNgày 15.2, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết lượng khách Nga đến Nha Trang, Khánh Hòa thời gian qua vẫn ổn định. Theo đó, trong tháng 1, trong số khoảng 54.000 lượt khách Nga thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thì có khoảng 48.000 lượt khách lưu trú tại Khánh Hòa, số khách còn lại di chuyển đến Ninh Thuận, Bình Thuận để tham quan, nghỉ dưỡng. Qua nắm bắt từ các công ty lữ hành, trong tháng 2, Khánh Hòa cũng sẽ đón khoảng 46.000 lượt khách Nga.
Ngoài thị trường khách Trung Quốc thì nhìn chung các thị trường khách quốc tế khác đến Nha Trang vẫn giữ được sự ổn định. Hằng ngày, Khánh Hòa vẫn đón 6 chuyến bay từ Nga, 13 - 15 chuyến bay từ Hàn Quốc, 2 chuyến từ Thái Lan đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Nguyễn Chung
|
Bình luận (0)