Buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và đại diện học sinh các trường THPT diễn ra sôi nổi trong buổi sáng ngày 21.3.
Học sinh đưa ra nhiều kiến nghị trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD - ĐT TP.HCM - Ảnh: Độc Lập |
Không chỉ là những thắc mắc, phản ánh về chương trình mà các học sinh còn kiến nghị, đưa đề xuất giúp việc học trở nên thực tế hơn.
Một trong những vấn đề gây tranh luận sôi nổi tại buổi đối thoại là việc dạy và học môn lịch sử. Cao Thanh Liêm, học sinh Trường Thiếu sinh quân đề xuất: “Cần đổi mới môn lịch sử bởi còn nhiều sự kiện diễn ra trong thực tế nhưng học sinh hoàn toàn không được học chẳng hạn như cuộc chiến đấu của các chiến sĩ ở đảo Gạc Ma”.
Còn Nguyễn Hữu Thái Anh, học sinh của Trường THPT An Đông (Q.5) thắc mắc: “Sách lịch sử đã không đề cập đến một số chiến dịch bảo vệ biên giới sau năm 1975. Thực tế đã có sự chiếm đóng của Trung Quốc tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng sách giáo khoa không có thông tin nào để học sinh biết và hiểu”. Một học sinh Trường THPT Đinh Thiện Lý (Q.7) mong muốn có sự tích hợp văn hóa nhiều hơn nữa vào các môn lịch sử, địa lý...
Huỳnh Thị Mai Trân, học sinh Trường THPT dân lập Trí Đức (Q.Tân Phú) cho rằng: “Ở bậc THPT đặc biệt là lớp 12, khối lượng kiến thức còn dày đặc trong khi đó chúng em mong muốn tăng cường thực hành nhiều hơn”. Cụ thể hơn, một học sinh của huyện Cần Giờ đặt vấn đề về hiệu quả của môn học giáo dục công dân. Học sinh này khẳng định: “Nội dung chưa phù hợp, nặng lý thuyết nên học sinh mới chỉ dừng lại ở việc học thuộc bài để kiểm tra lấy điểm chứ chưa cung cấp cho học sinh kỹ năng sống. Vì thế mới có học sinh lớp 10 phải nghỉ học vì mang thai và nhiều nam sinh đánh nhau gây nguy hiểm tính mạng...”.
Nguyễn Thị Kim Loan, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhận định: “Nội dung môn tin học khá lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ thông tin. Hiện nay học sinh THPT vẫn còn học ngôn ngữ lập trình Pascal hay những phần mềm tin học văn phòng của 10 năm về trước...”.
Chia sẻ với học sinh, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận: “Chương trình giáo dục hiện nay còn mang tính hàn lâm, đặc biệt là 2 môn vật lý, hóa học. Khuynh hướng tương lai các môn học sẽ tăng cường tính thực hành, gắn liền với thực tiễn cuộc sống”.
Bích Thanh
>> Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử
>> Suy nghĩ khi chấm thi đại học môn Sử
Bình luận (0)