Như Thanh Niên đã đưa tin, cơ quan khí tượng vừa đưa ra cảnh báo về mức độ xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang cao hơn mức trung bình nhiều năm. Trong tình hình trên, nhiều tỉnh ven biển miền Tây đang ra sức ngăn mặn, chống hạn để đảm bảo nhu cầu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, hạn mặn đang gây cho người dân ĐBSCL rất nhiều khó khăn.
Tại Cà Mau, Sở NN-PTNT cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 3.740 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước dùng trong sinh hoạt. Tại Bến Tre, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ nhiều ngày qua đa số các xã trên địa bàn 3 huyện vùng biển Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại đã xuất hiện các xe máy cày chở nước từ các mạch nước ngầm hiếm hoi trên địa bàn về bán cho các hộ dân với giá từ 100.000 - 300.000 đồng/xe (khoảng 1 m3). Tại Tiền Giang, hiện nhu cầu cấp nước ngọt vùng ngọt hóa Gò Công và Tân Phú Đông khoảng 80.000 m3/ngày đêm, trong khi các tuyến ống cấp tối đa chỉ được khoảng 60.000 m3/ngày đêm. Song song câu chuyện nước ngọt sinh hoạt, khoảng 100.000 ha cây ăn trái ở Tiền Giang cũng đang "gồng mình" trước hạn mặn…
Chia sẻ cách chống hạn, chống mặn
Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên là người dân ĐBSCL cho biết họ "thực sự đang ngồi trên đống lửa". BĐ nguyenthithao kể: "Gia đình tôi có nhà vườn cây giống ở Mỏ Cày Bắc, Bến Tre, mới vào đầu mùa khô như hiện nay mà chuyện trữ nước ngọt đã thấy khó khăn rồi, đứng ngồi không yên vì kéo đến tháng 5 liệu có gồng nổi".
Chia sẻ sự lo lắng, BĐ Kham Vo đề nghị cách làm quen thuộc để trữ nước ngọt: "Có thể khoan giếng sâu rồi bơm nước vào thùng trữ, làm giàn lọc phèn. Cứ 10 - 20 nhà gom lại làm một cái giếng khoan, giàn lọc, đảm bảo có nước ngọt dùng ngay cho sinh hoạt, tưới cây". Tuy nhiên, BĐ Minh Nghĩa lại lưu ý việc khoan giếng "vô tội vạ" có thể là một cách làm lợi bất cập hại: "Giờ mà khoan giếng là phải xin giấy phép nhé, còn tự ý khoan giếng là bị phạt. Ai cũng biết khoan giếng sẽ lấy nước ngầm. Nếu nhà nhà đều khoan thì sẽ phá vỡ kết cấu tầng nước, gây sụt lún, chưa kể khi xử lý sẽ thải ra lượng phèn lên mặt đất".
Từ các ý kiến trên, BĐ Benz đưa ra một giải pháp: "Sử dụng sà lan theo tôi là hợp lý nhất trong giai đoạn hiện tại, kể cả sà lan chở nước thô, nước ngọt từ thượng nguồn. Đối với người dân sử dụng nước sinh hoạt thì dùng công nghệ khử nước lợ hoặc tái sử dụng nước thải nếu quá cấp bách". BĐ Nguyen Tin cũng góp ý kiến: "Khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các trạm lọc nước mặn thành nước ngọt để sử dụng tưới tiêu trong nông nghiệp và nhà nước có thể bao tiêu toàn bộ nước đã lọc để cung cấp cho từng vùng, từng tỉnh".
Xem nhanh 12h: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL cao hơn nhiều năm, có nơi 80 - 90 km
Tìm giải pháp căn cơ, bền vững
Trước những thông tin liên tiếp về việc người dân ĐBSCL đang từng ngày "chạy đua ứng phó hạn mặn", nhiều BĐ cho rằng tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực ĐBSCL là câu chuyện đáng lo ngại. BĐ Quốc Việt nêu ý kiến: "Tình trạng này cứ lặp lại nhiều năm qua nên rất cần thêm những giải pháp căn cơ, dài hạn. Không thể cứ trông chờ trời mưa ở thượng nguồn. Nước ta mỗi năm đều đón lượng mưa lớn nên cần xây dựng được hệ thống trữ nước liên kết các vùng lại để không xảy ra tình trạng nơi thì ngập lụt nơi thì khô hạn".
Cùng nhận định này, BĐ Trường Lưu cho rằng: "Cần thêm những biện pháp phòng chống hạn mặn hiệu quả cấp độ quốc gia. Vấn đề ở đây là tầm nhìn và chính sách ứng phó. Ngoài ra, việc đưa ra các cảnh báo thường xuyên song song với việc hướng dẫn các biện pháp ứng phó cụ thể đến từng người dân ĐBSCL là rất cần thiết".
* Nên đắp đập ngăn mặn trên các con sông để tận dụng hài hòa lợi ích của nước mặn và nước ngọt, hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững, ưu tiên nước ngọt sinh hoạt.
thanhhieu0812
* Tình hình như vậy thì cần có kế hoạch giữ nước ngọt bằng các hồ chứa nước tự nhiên, và thực hiện quy hoạch thật tốt mạng lưới các cống, đập ngăn mặn.
Hoàng Anh
* Theo tôi biết thì ngành nông nghiệp Israel có công nghệ mới là trồng cây trong nước mặn. Ta có thể nghiên cứu không?
Bình Nguyễn
Bình luận (0)