Cần giải pháp đồng bộ thúc đẩy bóng đá trẻ Việt Nam

14/04/2020 08:49 GMT+7

Để bóng đá Việt Nam vươn mình thoát khỏi ao làng Đông Nam Á thì không chỉ cứ đổ tiền thuê thầy ngoại, dựa vào một “thế hệ vàng” mà cần chiến lược tài chính, chính sách sâu rộng, đồng bộ để đẩy mạnh đầu tư bóng đá trẻ.

Thiếu tiền không đáng lo bằng thiếu chiến lược

Dịch Covid-19 đang khiến trái bóng khắp thế giới lăn chậm lại, thậm chí bất động. Cựu HLV tuyển U.19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn cho rằng quãng lặng này là cơ hội để Việt Nam nhìn lại thẳng thắn, sâu sắc những lợi thế, thách thức ở từ bên ngoài lẫn bên trong nền bóng đá.
Ông Tuấn mở đầu bằng câu hỏi liệu tất cả đã cùng chung khát vọng, tầm nhìn: “Câu nói thường xuyên của các CLB và VFF, VPF là không có tiền. Đúng! Tôi đã nói từ 5 - 7 năm trước không có tiền đừng làm bóng đá. Tuy nhiên không phải nghèo không chơi bóng được, nhưng muốn vươn đỉnh cao thì phải tốn rất nhiều tiền. Vấn đề Việt Nam lúc này không phải thiếu tiền mà do thiếu chiến lược. Nhìn sang bên cạnh, Thai-League giống hệt một giải vô địch quốc gia châu Âu thu nhỏ, tổ chức bài bản, tiếp thị, hình ảnh… và chế độ chuyển nhượng, lương hấp dẫn.
Cầu thủ Thái Lan từ lâu đã đi tập bằng xe hơi, có nếp sinh hoạt bóng đá hiện đại. Tất nhiên đó là điều kiện cần thôi. Chúng ta phải có chiều sâu chiến lược mới phát triển bóng đá Việt Nam từ CLB đến các đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Sau V-League 2017, Toyota chia tay Việt Nam (40 tỉ mỗi mùa) nhưng họ lại gia hạn thêm 4 năm với Thai-League con số khoảng 20 triệu USD (khoảng 454 tỉ đồng). Chúng ta buồn. Nhưng Toyota còn tài trợ cho Lào thì mình phải giật mình xem lại đã đầu tư, xây dựng hình ảnh đúng chưa để nhà tài trợ lớn chạy đi mất.
Bây giờ hỏi lại, tiền đâu để BTC và VPF ủng hộ, hỗ trợ cho các đội bóng? Nhìn ra các giải đấu lớn có thể thấy chỉ khi nào các CLB tham gia không phải đóng quỹ, mà ngược lại nhận tiền từ BTC thì bóng đá Việt Nam mới mạnh”.
HLV Hoàng Anh Tuấn rất lo với một loạt câu hỏi: “Thực tế ta vẫn đang loay hoay. Năm 2018, 2019 chúng ta đã có bộ sưu tập danh hiệu đầy đủ. Nhưng kết quả VCK U.23 châu Á, giới chuyên môn thấy rõ lỗ hổng đằng sau ĐTQG. Đây mới là U.23 thôi, còn nhìn sâu nữa xuống các lớp trẻ tiếp theo thì lỗ hổng còn to nữa.
“Thế hệ vàng” hiện tại còn 6 - 7 năm. Nhưng chiến lược và trách nhiệm đào tạo trẻ của VFF và các CLB, trung tâm là ở đâu? Chúng ta đã và sẽ đầu tư cho bóng đá trẻ ra sao? Cơ sở vật chất cho các CLB sẽ cải thiện bằng cách nào? Việt Nam đang hái quả của các năm trước. Sắp tới quả đâu mà hái? Học viện HAGL JMG sau lứa Công Phượng còn ai không? Viettel sau lứa 1997 còn ai? PVF sau Đức Chinh, Tiến Dụng có thấy ai nổi trội không? Vấn đề chiến lược, chúng ta phải xem lại công tác đào tạo trẻ. Những trung tâm tốt nhất kể trên đã có vấn đề, vậy những đơn vị kém và nghèo thì làm sao mà tốt? Lỗ hổng tương lai bóng đá Việt Nam đang rất lớn.

Cơ hội vàng để tạo chính sách khỏa lấp lỗ hổng đào tạo

Cùng quan điểm, chuyên gia Đoàn Minh Xương lưu ý thành công 2 năm qua đến từ 2 yếu tố chính: Có 1 thế hệ cầu thủ tài năng và HLV Park Hang-seo phù hợp. Sẽ không bất ngờ nếu sắp tới HLV Park Hang-seo gặp nhiều khó khăn khi quanh quẩn chỉ có chừng đó cầu thủ trong khi lối chơi đã bị soi kỹ.
Không dưới 1 lần HLV Park Hang-seo mong tất cả các thành phần xã hội chung tay giúp sức để nâng bóng đá Việt Nam cất cánh. Đó không chỉ riêng chuyện của ĐTQG hay VFF mà cần sự đầu tư của cả nhà nước lẫn tư nhân cho cái gốc của tương lai là bóng đá trẻ. Bóng đá phụ thuộc kinh tế, nhưng nhìn trong nội tình Việt Nam thì bóng đá đang được nhiều ưu đãi từ Chính phủ, xã hội như việc lần đầu bóng đá nữ nhận hàng chục tỉ đồng tài trợ. Đó là tính hiệu khả quan rất tốt cho tương lai. Chúng ta cần tận dụng cơ hội vàng này để quan tâm sâu sát, rõ ràng hơn các điều kiện để bóng đá lan tỏa ra đến cấp độ thấp hơn.

“Thế hệ vàng” hiện tại còn 6 - 7 năm. Nhưng chiến lược và trách nhiệm đào tạo trẻ của VFF và các CLB, trung tâm là ở đâu?

HLV Hoàng Anh Tuấn

Ông Xương bày tỏ: “Để bóng đá Việt Nam phát triển bền vững cần một chiến lược phát triển mạnh mẽ và đầy đủ, nhất là tài chính cùng chính sách. Chúng ta cần chiến lược cụ thể để tái cấu trúc lại từ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất… Bóng đá Việt Nam vẫn chưa đạt mô hình kim tự tháp, càng xuống thấp chân đế càng rộng như LĐBĐ châu Á khuyến cáo. Để thay đổi điều này, cần đề xuất Chính phủ có chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư bóng đá như hỗ trợ sân bãi, cơ sở vật chất, khuyến khích bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng...
Người dân Việt Nam rất hâm mộ bóng đá, nếu phát triển chân đế rộng sẽ giúp phát hiện nhiều tài năng trong khi các lớp trẻ của CLB đầu vào cũng sẽ phong phú hơn cho các đội hạng dưới. Phải ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật để phân tích đào tạo cầu thủ trẻ, ví dụ đặc thù cơ địa, ưu điểm và hạn chế Việt Nam như thế nào. Phải nuôi dưỡng thể chất các em như thế nào để phát triển đầy đủ, đáp ứng được bóng đá hiện đại?”.
Tin vui khi TP.HCM có thêm học viện Juventus, Sài Gòn FC chuẩn bị mở học viện hợp tác vơi FC Tokyo... Nhưng chỉ dựa vào VFF, các CLB là không đủ. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa cho bóng đá trẻ, thể hiện bằng lộ trình bài bản để tư vấn, đề xuất Chính phủ chính sách cho các nhà đầu tư ở CLB chuyên nghiệp với các giải pháp đồng bộ hơn là chờ đợi may mắn.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương đặt câu hỏi: “Tiền bản quyền truyền hình V-League hiện được bao nhiêu? Thái Lan tại sao xem xét đưa trẻ đá AFF Cup phần vì họ ưu tiên Thai-League hơn, do AFF Cup không phải FIFA Day. Cầu thủ ưu tiên Thai-League vì bản quyền hình ảnh cao, tiền thu vào nhiều cũng là cơ hội xuất ngoại. Đó là khác biệt rất lớn với Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.