Theo thông tin trong cuộc sáng nay, 12.9, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, cho biết huyện đã có kế hoạch, trong đó xây dựng tour du lịch khép kín, cung đường khép kín ở Cần Giờ, dự kiến cuối tháng 9 có thể mở tour thí điểm đầu tiên, đón khách du lịch.
Nhiều người trẻ rất hào hứng trước thông tin này. “Hy vọng có thể trở lại Cần Giờ. Lần gần nhất tôi đi là trước đợt nghỉ lễ 30.4. Không khí ở đây rất trong lành. Tới Cần Giờ thì không thể không đi đảo khỉ, khám phá khu di tích lịch sử Rừng Sác, đi ca nô trong rừng ngập mặn. Sau đó, cả nhà đi chợ Hàng Dương chọn hải sản tươi sống và nhờ người ta nấu ăn. Ăn xong mua một ít khô mang về”, chị Nguyễn Thanh Hoài, 32 tuổi, trú đường Đặng Thúc Liêng, Q.8, TP.HCM cho biết.
Đi Cần Giờ nhớ ghé chợ Hàng Dương
Chị Hoài cho biết, Cần Giờ cách nội thành TP.HCM khoảng 50 km, rất thích hợp với những chuyến đi vào cuối tuần của cả gia đình. Chợ Hàng Dương bày bán đủ các loại hải sản tươi sống và đã chế biến sẵn với giá cả vừa phải.
Khi chưa có dịch Covid-19, những ngày cuối tuần và nghỉ lễ, nơi đây đông nghịt khách du lịch. Mọi người chen chân nhau ở chợ hải sản cũng như ngồi kín trên bãi biển, nhà hàng xung quanh chợ Hàng Dương.
|
|
|
|
“Nếu không muốn ngồi trên bãi biển để vừa ngắm biển vừa ăn những món hải sản tươi, nóng sốt này thì ngay cổng chợ Hàng Dương cũng có các quầy bán nước giải khát để sẵn các bàn ghế. Khách du lịch có thể mang món ăn của mình ra đây, ngồi gọi nước và thưởng thức.
Kinh nghiệm của tôi là nên chọn những loại hải sản tươi sống và yêu cầu chủ sạp chế biến thành các món ăn mình yêu thích sẽ ngon và tươi hơn những món ăn đã được chế biển sẵn. Dù giá cả của những món chế biến sẵn đều rẻ hơn những món tươi sống nhiều lần”, chị Hoài nói.
Sống chậm ở nơi hàng ngàn cây đước
Tới Cần Giờ du lịch, thật đáng tiếc nếu như chưa thăm di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ và trải nghiệm cảm giác ngồi trên ca nô đi xuyên rừng ngập mặn để vào trong di tích khu căn cứ Rừng Sác.
Cần Giờ được coi như lá phổi xanh của TP.HCM khi ở đây có khu dự trữ sinh quyển rộng lớn. Xe vừa chạy vào địa phận Cần Giờ, mới thấy thấp thoáng màu xanh phía xa, đã thấy không khí thoáng đãng, hít thở mà khoan khoái lạ thường.
|
|
Anh Nguyễn Quang Trung, 33 tuổi, trú hẻm 21 đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM cho biết, vài tháng qua ở kỹ trong nhà để tránh dịch, các con anh đã vài tháng chỉ biết ngắm nhìn bầu trời qua ô cửa sổ. Do đó, vừa nghe thông tin có thể cuối tháng 9 này người dân sẽ được du lịch ở Cần Giờ thì khấp khởi mừng thầm.
Theo anh Trung, du lịch Cần Giờ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, chắc chắn việc giới hạn số lượng người, áp dụng "thẻ xanh" vắc xin và tuân thủ tuyệt đối 5K là hoàn toàn cần thiết. Song, thông tin người dân TP.HCM có thể tới Cần Giờ vào cuối tháng 9, đồng nghĩa với việc dần dần mở cửa du lịch nội địa, dần khôi phục phát triển kinh tế đang là tín hiệu lạc quan, tích cực mà hàng triệu người dần đang mong chờ.
“Một ngày giữa tháng 4.2021, gia đình chúng tôi có chuyến trải nghiệm ở Đảo Khỉ, thăm di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ. Cả nhà ngồi ca nô và thấy choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên quá tuyệt vời ở đây. Hàng ngàn cây đước xanh tươi bạt ngàn, tôm cá trù phú. Tới di tích căn cứ Rừng Sác, được những nhân viên mặc áo thanh niên xung phong giới thiệu về lịch sử của cha ông trong cánh rừng này, mọi thành viên trong gia đình đều rưng rưng xúc động”, anh Trung cho biết.
|
|
|
|
Theo Cổng thông tin điện tử huyện Cần Giờ: “Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ (trước đây tên gọi là Lâm Viên Cần Giờ) với diện tích 2.215,45 ha, trong đó có 514 ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch. Ở đây có đầy đủ các loài và sinh cảnh của một tiểu vùng mang tính đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nơi đây có đàn khỉ với tổng số khoảng hơn 1.000 con, sống hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, rất dạn dĩ với con người. Tại đây đã và đang hoàn chỉnh các hệ thống nhà nghỉ trong rừng, nhà ăn uống, cửa hàng bán sản vật đặc trưng của vùng rừng ngập mặn, nhà truyền thống, phòng trưng bày hiện vật phục chế, khảo cổ học…”.
Không chỉ vậy, đi du lịch Cần Giờ, mọi người có thể sống ảo ở rừng đước khô trên đường Lâm Viên rồi di chuyển tới ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, trải nghiệm ngồi trên vỏ lãi, tìm hiểu về nghề nuôi hàu của bà con nơi đây...
Mật dừa nước, đừng bỏ qua
Tới Cần Giờ, ăn hải sản tươi sống được nuôi trồng ở chính vùng đất này là tất nhiên rồi. Nhưng có một sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này là dừa nước tươi và mật dừa nước thì cũng không nên bỏ qua. Cơm dừa nước được ướp lạnh, khi uống bỏ chung với nước đường và đá, uống vừa thơm vừa mát lạnh, sảng khoái.
|
Còn mật dừa nước, nhiều người có thể lần đầu tiên nghe thấy. Tới huyện ngoại thành TP.HCM này, mọi người có thể nếm vị ngọt lịm, thơm mát của mật dừa nước đóng chai hoặc cô đặc. Không phải làm từ cơm dừa, mật dừa nước là chất ngọt được thu lại từ cuống của quầy dừa nước khi vừa cắt. Tại Cần Giờ, có những người trẻ sinh ra và lớn lên ở đây, họ khởi nghiệp nhiều năm qua với chính loại cây giản dị này, bởi muốn gìn giữ và phát triển những rặng dừa nước xanh ngát của quê hương…
Sáng nay, 12.9, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ huyện ủy Cần Giờ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có nhiều gợi mở về kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế của huyện này. Ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết yêu cầu mà huyện đặt ra là mở ra dịch vụ nào thì phải có bộ tiêu chí kiểm soát dịch vụ đó.
Về khôi phục du lịch, ông Dũng cho biết huyện cũng đã có kế hoạch, trong đó xây dựng tour du lịch khép kín, cung đường khép kín, hành khách không được đi ngang đi dọc mà chỉ ở trong khu vực nhất định. Ông Dũng cho biết: “Dự kiến đến 30.9 có thể mở tour thí điểm đầu tiên”. Còn bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói trong tour đầu tiên, thành phố sẽ chiêu đãi lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Sỹ Đông
|
Bình luận (0)