Cần gỡ ngay những rào cản về vốn

05/01/2024 04:16 GMT+7

Hai ngày trước, khi thị trường đã tương đối im ắng trở lại, giá vàng miếng SJC đã giảm gần cả chục triệu đồng/lượng so với mức đỉnh hơn 80 triệu đồng/lượng...; Ngân hàng Nhà nước mới chính thức lên tiếng rằng không chấp nhận giá vàng SJC quá cao, rằng sẽ sửa Nghị định 24 - mấu chốt dẫn đến sự "nổi loạn" của giá vàng thời gian qua.

Còn tính từ mốc giá vàng trong nước loạn nhịp là đã gần 2 tháng. Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên tiếng thì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát quản lý thị trường này và kể từ lúc đó, giá vàng mới đảo chiều.

Tương tự, việc điều hành chính sách tín dụng năm 2023 không chỉ không theo kịp diễn biến thị trường mà còn lệch pha với thế giới, với nhu cầu của nền kinh tế: Khi cần nới van thì siết chặt, lúc cần siết chặt lại nới van. Chưa kể nhiều chủ trương, chính sách của chính NHNN cũng mâu thuẫn với nhau. Đơn cử năm 2024, nhà điều hành giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm để các nhà băng bơm tín dụng ra thị trường mạnh mẽ, quyết liệt hơn, tránh tình trạng tiền ế trong NH nhưng doanh nghiệp (DN) đói vốn như cuối năm 2023. Thế nhưng một số quy định trói vốn trong Thông tư 06, dù đã được phản ánh rất nhiều lần vẫn đang duy trì. Cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì rất khó để đạt mục tiêu khơi thông nguồn vốn tín dụng cho cộng đồng DN, cho nền kinh tế.

Nhìn lại sau một thời gian dài bị siết tín dụng, thị trường trái phiếu đóng băng, chứng khoán èo uột...; đến thời điểm hiện tại, nhiều DN đã không còn tài sản, không còn nguồn lực nhằm triển khai dự án, ảnh hưởng lớn để sự tồn tại và phát triển. Nếu chúng ta không sớm tháo những nút thắt chính sách không phù hợp, chắc chắn sẽ có thêm nhiều dự án phải sang tên đổi chủ cho nước ngoài; thêm nhiều DN phải dừng cuộc chơi. Chẳng nói đâu xa, số liệu của Cục Thống kê TP.HCM mới đây cho thấy, năm 2023, kinh doanh bất động sản là ngành dịch vụ duy nhất tăng trưởng âm tại TP.HCM. Cụ thể, ngành kinh doanh bất động sản TP.HCM âm 6,38%, trong khi các ngành dịch vụ khác đều tăng trưởng từ hơn 3% đến trên 10%. Đáng lo ngại hơn, kinh doanh bất động sản tăng trưởng âm ngay khi vốn ngoại rót vào lĩnh vực này vẫn rất lớn. Trong hơn 5,8 tỉ USD vốn FDI vào thành phố năm 2023 thì lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt gần 2,7 tỉ USD nhưng chủ yếu nhờ hoạt động thâu tóm sôi động. Vậy thì bao nhiêu dự án, bao nhiêu công trình, bao tâm huyết của DN vì thiếu vốn, kẹt tiền phải bán cho khối ngoại? Vấn đề này cũng đã được lãnh đạo Bộ KH-ĐT và nhiều chuyên gia lên tiếng từ khá sớm nhưng vẫn không chặn được. Trong khi chúng ta đều biết, DN Việt mới là xương sống của nền kinh tế. Lực lượng DN nội mạnh khỏe mới tạo nền móng vững chắc, là rường cột cho kinh tế đất nước.

Tinh thần của Chính phủ là vào cuộc quyết liệt, thực chất để gỡ khó cho DN. Hiện tại cũng là lúc cộng đồng DN cần được hỗ trợ gấp rút với những chính sách thực tế, đặc biệt là về vốn. Vì thế, những quy định bất hợp lý, những rào cản thủ tục tiếp cận vốn cần được nhanh chóng gỡ bỏ. Trong đó, điều hành chính sách phải linh hoạt, kịp thời và đặc biệt tránh ban hành thêm các giấy phép con khiến cộng đồng DN khó chồng khó.

Chỉ có như vậy, DN Việt mới phục hồi sức khỏe để đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.