(TNO) Nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đã tập trung góp ý cho Chương IX - Chính quyền địa phương, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cùng quan điểm mô hình chính quyền cần có sự minh định ở từng địa phương với những đặc điểm khác nhau, cần hiến định về chính quyền TP trực thuộc trung ương, chính quyền đô thị.
Ngày 1.3, kỳ họp lần thứ 8, HĐND TP.HCM khóa VIII, đã tổ chức chuyên đề thảo luận lấy ý kiến đại biểu (ĐB) về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua thảo luận, nhiều ý kiến tập trung đóng góp cho Chương IX (Chính quyền địa phương).
|
ĐB Lâm Thiếu Quân góp ý: Trong Điều 115, Chương Chính quyền địa phương có quy định UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cần sửa lại là “UBND là cơ quan hành pháp nhà nước ở địa phương chứ không phải hành chính, vì ngoài các hoạt động hành chính UBND còn điều hành về kinh tế, an ninh trật tự…”.
Nhiều đại biểu cho rằng Hiến pháp cần quy định cho tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt là có sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
“Đặc điểm xã hội, nhu cầu của người dân đô thị khác với nông thôn. Vì vậy cần có tổ chức đặc thù cho chính quyền đô thị”, ĐB Vương Đức Hoàng Quân, phát biểu.
Bên cạnh đó, trong Chương Chính quyền địa phương, có nêu: “Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện; huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường”. Theo ĐB Ngọc Anh Hiến pháp chỉ nên quy định ở mức “nước gồm tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính dưới tỉnh, TP trực thuộc Trung ương”.
ĐB Ngọc Anh đề nghị, với đặc thù về diện tích, dân cư, mật độ dân số,… của mỗi tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác nhau thì cho phép các địa phương tổ chức khác nhau.
Cùng quan điểm, ĐB Lê Thị Bình Minh nói thêm: “Chương Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ mới thay đổi về tên. Hy vọng rằng về nội dung cần có những quy định làm căn cứ để mở đường cho việc sau này xây dựng chính quyền đô thị. Hiện nay, các đô thị trong cả nước như những cơ thể khác nhau nhưng đều mặc chung một cái áo. Điều này chưa tạo bàn đạp cho sự phát triển của địa phương; chưa tạo điều kiện cho việc tổ chức chính quyền địa phương, nhân sự, ban hành các quy định, chính sách tại địa phương để phù hợp với sự phát triển của địa phương, đảm bảo quyền lợi của người dân tại địa phương, cũng như góp phần trong sự pháp triển chung của đất nước”.
|
ĐB Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng thiết kế về chính quyền các cấp như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay không phát huy hết sức mạnh của địa phương. Cũng như một số ĐB khác, ĐB Đua nêu quan điểm chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn và đề nghị cho thành lập TP trong TP ở các TP trực thuộc trung ương.
Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, theo ông Đua, cần tiêu chí để có sự phân định chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn; cần có những nguyên tắc để những địa phương nào phát triển đến đủ điều kiện về kinh tế, dân cư sẽ được áp dụng chính quyền đô thị.
“Bộ máy đó (chính quyền đô thị) sẽ phát huy được sức mạnh cơ sở vật chất, tiềm lực của địa phương để đóng góp cho sự phát triển đời sống nhân dân, cũng như sự phát triển chung của cả nước”, ĐB Đua phân tích.
Bế mạc kỳ họp HĐND chuyên đề “Lấy ý kiến ĐB về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” chiều 1.3, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, kết luận, các ĐB HĐND TP.HCM đã đặc biệt góp ý về Chương IX (Chính quyền địa phương) để đáp ứng nhu cầu của tiến trình phát triển tất yếu của đô thị hóa.
“Mô hình chính quyền cần có sự minh định ở từng địa phương với những đặc điểm khác nhau, mở đường cho QH xây dựng những luật cần thiết để xây dựng chính quyền ở mỗi địa phương phù hợp, đảm bảo phát huy hết nguồn lực địa phương, đóng góp chung cho sự phát triển của cả nước. Cần hiến định về chính quyền TP trực thuộc trung ương, chính quyền đô thị nhằm mục đính đẩy mạnh sự phát triển của địa phương, đảm bảo chăm lo cho đời sống người dân địa phương, phát triển tiềm lực địa phương để đóng góp tốt trong sự phát triển chung của đất nước”, bà Tâm phát biểu tổng hợp.
Nguyên Mi
>> Hiến pháp sửa đổi không thể thiếu nội dung về thanh niên
>> Thành viên MTTQ góp ý Điều 4 dự thảo Hiến pháp
>> Góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Hội đồng Dân tộc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần quan tâm đến giáo dục và y tế
>> Kiến nghị nghiên cứu Tòa án Hiến pháp
Bình luận (0)