Căn hộ chưa có sổ hồng bị ép giá

12/05/2023 05:18 GMT+7

Theo báo cáo của Sở TN-MT TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có 18 dự án, với tổng 9.413 căn phải tạm ngừng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (sổ hồng) do liên quan đến công tác thanh, kiểm tra... Điều này khiến cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước lao đao.

BÁN KHÔNG AI MUA

Mới đây một người dân sống tại chung cư Millennium (Q.4, TP.HCM) muốn bán căn hộ bởi mua nhà và về ở từ cuối năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng. Bên cạnh đó, thời gian qua có nhiều thông tin về việc dự án dính lùm xùm liên quan đến đất công, dự án bị công an điều tra và những "bất ổn" từ chủ đầu tư nên chị càng muốn bán. Cũng vì những lý do trên cộng thêm thị trường đang giai đoạn đóng băng nên chị phải chấp nhận "đại hạ giá", song vẫn không có người mua.

Căn hộ chưa có sổ hồng bị ép giá  - Ảnh 1.

Nhiều chung cư bị ép giá do chưa có sổ hồng

ĐÌNH SƠN

Đó là tình trạng chung của những khách hàng mua căn hộ không được cấp sổ hồng hiện nay. Anh Công Quang đầu năm 2019 mua lại căn hộ diện tích 88 m2 ở chung cư Orchard Park View (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) với giá gần 6 tỉ đồng. Căn hộ trên anh Quang đã đóng đến 95% giá trị, nhưng đến nay cũng vẫn là hợp đồng đặt cọc và chưa được cấp sổ hồng. Anh Quang đã nhiều lần rao bán căn hộ trên từ 6,5 tỉ xuống còn 6,1 tỉ đồng nhưng vẫn không có ai mua. Không chỉ vậy, giá thuê căn hộ cũng giảm từ 25 triệu đồng/tháng xuống còn 20 triệu đồng mới tìm được khách thuê.

"Chung cư bàn giao nhà cho khách vào ở từ năm 2018. Tuy nhiên, do liên quan đến đất công nên nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra và đến nay người mua nhà vẫn chưa được cấp sổ hồng. Nếu mua để ở thì ở đây rất tốt vì cũng không ai lấy được nhà mình. Tuy nhiên, việc chung cư không có sổ hồng gây ra nhiều bất tiện, lo lắng và ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà. Đầu tiên là khi muốn bán, với lý do chưa có sổ, dự án bị điều tra, căn hộ đã bị người mua ép giá thê thảm. Không những thế, rao bán cũng rất khó khăn dù giá đã giảm mạnh so với những căn hộ đã có sổ hồng cùng khu vực. Ngoài ra các căn hộ này không thể cầm cố để vay vốn ngân hàng làm ăn, nhất là trong giai đoạn khó khăn này. Đến nay tôi đã rao bán 3 lần và 2 lần giảm giá nhưng không tìm được người mua", anh Quang cho hay.

Đa số các chủ nhân căn hộ ở đây cũng sống trong cảnh lo lắng như trường hợp anh Quang khi chưa cầm được cuốn sổ hồng trong tay và việc chủ đầu tư dính nhiều tin đồn rủi ro.

Năm 2016, vợ chồng anh Phạm Hùng (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua căn hộ 2 phòng ngủ tại một dự án chung cư ở đường Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức) với giá gần 4 tỉ đồng. Dù đã đóng 95% giá trị căn hộ và nhận nhà một thời gian dài, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có thông báo làm thủ tục sổ hồng cho cư dân. Gần đây, dự án có nhiều sai phạm liên quan đất công và đang bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nên việc cấp sổ hồng cho cư dân càng xa vời. Anh Phạm Hùng cùng cư dân và cả chủ đầu tư chung cư đã gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng nhưng không ăn thua.

CẤP SỔ CHO DÂN TRƯỚC, XỬ LÝ CHỦ ĐẦU TƯ SAU

Theo Sở TN-MT, trong quá trình giải quyết hồ sơ, Sở đã nhận được nhiều văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: thanh tra, kiểm toán, công an… có liên quan đến nhiều dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP với nội dung đề nghị cung cấp hồ sơ tài liệu để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra. Ngoài ra, còn có các quyết định đề nghị tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai do rà soát quá trình giao đất, chuyển nhượng, góp vốn thực hiện dự án, chuyển mục đích sử dụng đất, rà soát lại phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, xác định lại nghĩa vụ tài chính. 

Hiện trên địa bàn TP.HCM cũng có nhiều dự án bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê đã hoàn thành đầu tư xây dựng công trình. Thậm chí nhiều dự án đã bán nhà, đã nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và người dân đã vào ở, sinh sống ổn định nhưng vẫn chưa phê duyệt giá đất để tính thu tiền sử dụng đất. Điều này dẫn đến người dân mua nhà tại các dự án này chưa được cấp sổ hồng, nhà nước cũng không thu được tiền sử dụng đất, các khoản thuế, phí còn doanh nghiệp tăng gánh nặng trả lãi vay ngân hàng, chưa kể tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân do chưa được cấp giấy chứng nhận.

KHÁCH HÀNG LÀ NGƯỜI NGAY TÌNH

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đồng tình với đề xuất của Sở TN-MT vì cho rằng khách hàng là người ngay tình. Nhiều nơi khách hàng đã đóng đến 95% giá trị căn hộ. Do vậy những dự án có sai phạm về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, thế chấp tài sản, nhưng căn hộ mà khách hàng mua vẫn phù hợp với quy hoạch, thiết kế, thì tách riêng phần sai phạm của chủ đầu tư để xử lý theo quy định của pháp luật và cấp sổ hồng cho người mua nhà. Bởi thực tế như nói trên, người dân mua nhà không được cấp sổ hồng thiệt hại đủ đường. Đó là tài sản lớn, tích cóp cả đời của rất nhiều người nhưng họ đang phải sống trong nơm nớp lo sợ khi chưa cầm trong tay giấy chứng nhận sở hữu thì chưa thể yên tâm, chưa thể an cư, lạc nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu phân tích thêm: Đối với những dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) thì đây là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với cơ quan nhà nước, không liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng mua nhà, đề nghị tách ra xử lý riêng và cũng ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho người mua nhà.

Chính vì vậy, Sở TN-MT TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến về việc cấp sổ hồng cho người mua nhà trong dự án nêu trên. Các trường hợp dự án đã có ý kiến tạm dừng do đang xét xử của tòa án, có văn bản phong tỏa của cơ quan điều tra hay quyết định tạm dừng của cơ quan thi hành án thì báo cho Sở, Sở sẽ tạm ngưng việc cấp sổ hồng, còn thì giải quyết cho các trường hợp còn lại.

Ủng hộ kiến nghị của Sở TN-MT TP.HCM, luật sư Trần Mạnh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, đề xuất thêm giải pháp phân các nhóm chung cư sai phạm ra để xử lý. Đầu tiên là liên quan đến các trường hợp huy động vốn của chủ đầu tư hoặc bán không đúng pháp luật, sẽ tập trung xử lý, cần thiết chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Nhóm liên quan đến tranh chấp giữa ba bên (chủ đầu tư, ngân hàng, người mua nhà), nếu chủ đầu tư có thế chấp dự án cho ngân hàng thì người mua nhà có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Nhóm vi phạm trong xây dựng như: xây dựng không đúng với giấy phép, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật... TP cần cấp sổ hồng cho người mua nhà nếu căn hộ đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật, pháp lý, không nên chờ xử lý xong dự án mới cấp một lần cho người mua. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.