‘Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới’

17/09/2022 10:58 GMT+7

Sáng nay 17.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dù 8 tháng qua bối cảnh thế giới lạm phát cao và tăng trưởng thấp, song Việt Nam đạt được những kết quả khá tích cực. Nếu không có biến động lớn thì tăng trưởng GDP quý 3 sẽ cao hơn quý 2 và cả năm có thể đạt mức khoảng 7%.

Thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng tổ chức hội nghị riêng quy mô lớn đối thoại với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam

nhật bắc

Chia sẻ tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều đánh giá cao nền tảng ổn định, chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Ông Tim Evans, CEO HSBC tại Việt Nam, cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. “Việt Nam đã có thương hiệu trong giai đoạn Covid-19 là đất nước chống dịch tốt. Và bây giờ Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn”, CEO HSBC nhấn mạnh.

Tỷ trọng FDI trong GDP của Việt Nam thuộc hàng top của thế giới. Song, theo ông Tim Evans, cần phải duy trì lợi thế này bằng cách trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ các quy định và chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, việc thành lập doanh nghiệp và các ưu đãi cụ thể theo ngành liên quan đến thu hút FDI.

“Các nhà đầu tư trung bình cần 6 - 9 tháng để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong khi kỳ vọng của họ chỉ có 3 tháng. Các nhà đầu tư tại Việt Nam được hưởng lợi từ 15 hiệp định thương mại tự do FTA đã ký, cho phép tiếp cận 55 thị trường, trong đó có 15 thị trường thuộc khối G20. Việc tích cực quảng bá các FTA này do các bộ, ngành liên quan thực hiện, sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng. Chúng ta cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới”, ông Tim Evans nhấn mạnh.

Ông Tim Evans, CEO HSBC tại Việt Nam: Cần kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới

nhật bắc

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, trong các đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, hơn 59% vào năm 2021 và hơn 45% năm 2022. Kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy, 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN.

Một cuộc khảo sát khác của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời "là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư" bên cạnh Mỹ.

Mất 4 - 12 tháng để bổ sung giấy tờ

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) khuyến nghị về việc gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí sản xuất. Vì phụ thuộc vào nguồn cung ứng và hợp tác toàn cầu mà nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi bị thiếu hụt nguồn cung ứng. Vì thế, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Đáng chú ý, theo đại diện SBG: “Thời hạn xin cấp Giấy phép kinh doanh kéo dài với nhiều thủ tục, gây nhiều phiền toái và lãng phí thời gian. Thông thường, cần nộp và bổ sung rất nhiều lần cho các câu hỏi của Bộ Công Thương và Sở Công thương, có thể kéo dài từ 4 đến 12 tháng”.

Hiệp hội này cũng đề nghị Chính phủ xem xét và ban hành các quy định rút ngắn thời gian xin phê duyệt, Bộ Công thương và Sở Công thương cần tuân thủ thời hạn theo quy định để phát hành Giấy phép kinh doanh, cũng như làm rõ hơn các yêu cầu trong hồ sơ xin cấp phép để giảm thiểu đáng kể số lượng các lần yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.