Tỉnh cam kết sẽ đồng hành đưa ý tưởng thành hiện thực
Nói về đề xuất xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, chia sẻ: Từ 5 năm trước, Báo Thanh Niên đã khởi xướng các cuộc thi viết về các vùng đất dành cho bạn đọc trên toàn quốc và nhận được sự quan tâm, tham gia của rất nhiều bạn đọc trên cả nước.
Quan trọng hơn, các cuộc thi đặt ra cho những người làm Báo Thanh Niên trách nhiệm phải truyền thông, chuyển tải những cái được, cái chưa được, những góc khuất, những giải pháp, những tiếng nói chưa được chú ý... tới địa chỉ mà nó cần phải tới. Cao hơn nữa là khám phá, phát hiện các tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng đất. Đề xuất các ý tưởng, các giải pháp để khai thác các lợi thế, tiềm năng đó, đóng góp vào sự phát triển của địa phương nói riêng và nền kinh tế chung của đất nước.
Năm 2024 này, vùng đất mà Báo Thanh Niên dự tính khởi xướng cuộc thi viết chính là Tây nguyên. Trong quá trình khảo sát, Ban tổ chức nhận thấy nhiều tỉnh thành đã tận dụng lợi thế về độ cao, khí hậu, tài nguyên ở vùng đất này để xây dựng thương hiệu đặc sản cho địa phương mình. Ví dụ, nói đến cà phê là nghĩ đến Đắk Lắk; nói đến Lâm Đồng là thủ phủ của rau, hoa, chè... Thế nhưng nói đến Gia Lai, tỉnh có diện tích lớn thứ hai VN và đứng thứ nhất vùng Tây nguyên thì "có rất nhiều" nhưng tiềm năng chưa khai thác cũng rất nhiều.
"Dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế, khí hậu thổ nhưỡng và sự có mặt của nhà đầu tư lớn…, chúng tôi mạnh dạn hình thành ý tưởng xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa với tham vọng: Nhắc về bò sữa, nghĩ đến Gia Lai; và ngược lại, nói đến Gia Lai là nghĩ ngay đến thiên đường bò sữa", nhà báo Lâm Hiếu Dũng nói.
Đại diện lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, gửi lời cảm ơn Báo Thanh Niên đã tổ chức tọa đàm này. Ông Tuấn Anh chia sẻ: Mang Yang có nghĩa là Cổng Trời vì có độ cao lớn, do đó chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm có mùa lên đến 13 - 15 độ C. Điều đó giúp cho những loại trái cây trồng ở Gia Lai cũng ngon hơn và có giá trị bán ra cao hơn. Không chỉ có địa lợi mà còn có thiên thời là khí hậu, giúp con người và cả con bò sữa cũng ngủ ngon, nhiều sữa hơn. Không chỉ Mang Yang mà có đến 3/4 diện tích tỉnh Gia Lai đều có tiềm năng phát triển như thế.
Theo ông Tuấn Anh: Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế định hướng đến 2030 với những vấn đề trọng tâm. Trong đó, về hoạt động đầu tư sẽ rút ngắn thời gian từ ý tưởng đến lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư, thương mại hóa dự án... bình quân từ 3,5 năm trước đây xuống còn từ 18 - 24 tháng tùy loại hình dự án. Thứ hai, về hạ tầng, nói đến nông nghiệp thì quan trọng nhất là nước và trữ lượng nước. Đây là nhiệm vụ tối ưu về các hồ chứa nước để điều hòa, không để thiếu nước cục bộ, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu sẽ có thể càng nặng nề hơn. Tỉnh sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này.
Mang Yang Gia Lai Viên ngọc thô chờ thành thiên đường bò sữa
Thứ ba, hiện đang có chủ trương thực hiện triển khai cao tốc từ Gia Lai nối Kon Tum và Gia Lai nối với Quy Nhơn được triển khai nhanh. Đây là điều kiện phát triển nông nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến. Khi đó, cơ hội cho các ngành khác cũng tăng lên và chính những người đi đầu sẽ hưởng lợi. Các nhà đầu tư ngay từ bây giờ cần có chiến lược đầu tư dài hơi, nghiêm túc hơn để có những dự trữ về đất đai, có thị phần lớn hơn, cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nội địa lẫn xuất khẩu...
"Qua buổi tọa đàm, mong các nhà đầu tư như NutiFood mở rộng sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng. Nếu không có chuỗi cung ứng thì sau này muốn phát triển mạnh sẽ khó hơn khi phụ thuộc vào các đơn vị khác. Mặc dù việc đó có chấp nhận sự đau thương của người đi đầu. Nếu làm được và có những đề xuất sớm thì cá nhân tôi và lãnh đạo địa phương sẽ ủng hộ, đồng hành cùng các nhà đầu tư. Đó cũng là giải pháp để đưa đề xuất của Báo Thanh Niên xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa thành hiện thực", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Gia Lai hội tụ của thiên thời, địa lợi
Là người có nhiều năm với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thừa nhận: "Tôi đã từng có lúc phải nghi ngờ, làm gì VN chúng ta làm được bò sữa? Thế nhưng công nghệ, khát vọng của doanh nghiệp, của địa phương, đến nay chúng ta đã vẽ lại bản đồ ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi bò sữa của chúng ta đã có những bước nhảy vọt lớn. Tiềm năng của ngành chăn nuôi, chế biến bò sữa của VN vẫn còn rất lớn, và Tây nguyên đang nổi lên vì có đầy đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi".
Ông Dương phân tích: Đất đai ở Gia Lai còn rộng lớn, có thể đầu tư phát triển chuồng trại chăn nuôi và trồng cỏ thâm canh. Gia Lai còn có nguồn nước ở mức trung bình khá, có lượng mưa lớn, có lưu vực sông suối đa dạng, nếu tiết kiệm thì chúng ta có thể giải quyết tốt vấn đề nguồn nước. Bên cạnh đó, Mang Yang và cả Gia Lai còn có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, là nguồn tài nguyên quý giá nên cần chọn đối tượng có giá trị cao để phát triển kinh tế và bò sữa là đối tượng lý tưởng.
"Chúng ta có thể mang sữa từ Hà Lan về VN để bán thì không lý do gì không vận chuyển sữa tươi từ Gia Lai để bán cả nước lẫn xuất khẩu. Về phía địa phương, tỉnh cần phải xem đây là một cơ hội lớn, trên cả sự quyết tâm, khát vọng đưa Gia Lai trở thành trung tâm bò sữa", ông Dương tâm huyết.
Gắn bó 47 năm với ngành nông nghiệp, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết: VN mới đáp ứng 42% nhu cầu sữa trong nước và chi khoảng 1 tỉ USD để nhập sữa trong giai đoạn 2018 - 2020. Riêng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,14 tỉ USD, tăng 12,56% so với năm 2020. Như vậy, kế hoạch phát triển trang trại bò sữa của NutiFood ở Mang Yang - Gia Lai là nguồn thông tin rất đáng khích lệ cho ngành sản xuất sữa bò VN. NutiFood đã công bố thành quả chất lượng nguồn sữa tươi cao vượt trội 3,5 gr đạm - 4 gr béo/100 ml (tương đương chất lượng sữa châu Âu). Hiện nay, các sản phẩm sữa tươi nguyên chất nội địa tại VN có hàm lượng đạm biến thiên từ 2,9 - 3,2 gr; hàm lượng chất béo từ 3,2 - 3,9 gr/100 ml sữa.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa VN, khẳng định dù sữa không phải là thế mạnh của vùng nhiệt đới như VN, thế nhưng nhờ công nghệ, giống chất lượng cao, khí hậu..., ngành chăn nuôi bò sữa của VN có những bước tiến vượt trội, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước phát triển trên thế giới.
"Nguồn sữa nguyên liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sữa của người Việt vẫn còn rất thấp so với các nước lân cận. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, mỗi người Việt chỉ tiêu thụ khoảng 26 - 28 lít, Thái Lan là 35 lít/người, Singapore là 45 lít/người, các nước châu Âu lên đến 80 - 100 lít/người, Hà Lan 300 lít/người... Dẫn các số liệu này để thấy, ngành sữa tại VN vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng sữa tươi của người VN sẽ còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới, do đời sống kinh tế phát triển, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đặc biệt đối với các sản phẩm dinh dưỡng như sữa", ông Trung nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Nhật Bản muốn mua sản phẩm sữa của NutiMilk tại Mang Yang
Là doanh nghiệp sở hữu trang trại bò sữa nằm nhóm lớn nhất ở Mang Yang, ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood, chia sẻ: Dù mới chính thức đưa vào khai thác được 4 năm, song sau quá trình cải tạo công nghệ, điều kiện chuồng trại và đặc biệt là giống thì kết quả đạt được đến ngày hôm nay rất tốt. Mùa đông này, một con bò sữa lứa mới nhập từ Mỹ về có thể cung cấp tới 40 lít sữa/ngày, tương đương mức sản lượng tại các trang trại ở Mỹ. Không chỉ có sản lượng tuyệt vời, chất lượng sữa ở đây có hàm lượng đạm cao, chất béo cao và sạch tuyệt đối.
"Nguồn nước ở Mang Yang rất sạch, không khí sạch, khí hậu mát nên dịch bệnh ít. Nhờ vậy, sữa bò ở Gia Lai có chất lượng rất tốt, sản lượng cao. Cũng nhờ chất lượng tuyệt vời như vậy, hiện có nhiều chuyên gia nước ngoài, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tiếp cận với Nutifood để đặt vấn đề hợp tác. Họ cần nguồn sữa tươi cao cấp để tạo ra các sản phẩm từ sữa cao cấp. Nguồn sữa sạch sẽ được sử dụng để làm bơ, phô mai, kem... rất ngon. Đây cũng là những ngành rất tiềm năng", ông Trần Bảo Minh thông tin.
Đại diện đơn vị mua nguyên liệu sữa từ NutiMilk, ông Mai Xuân Trầm, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods), người đến theo yêu cầu từ phía khách mời của buổi tọa đàm, cho biết nếu trước đây chúng ta hay nói đến kem châu Âu, Mỹ ngon là nhờ vào chất lượng sữa tuyệt hảo thì giờ đây, sữa từ trang trại NutiMilk đáp ứng được tất cả các yêu cầu, tiêu chuẩn rất cao của Kido để sản xuất ra các loại kem ngon nhất.
"Là doanh nghiệp chiếm thị phần số 1 về mảng sản xuất và kinh doanh kem tại VN nên nhu cầu sử dụng sữa tươi chất lượng cao của chúng tôi rất lớn. Khi tiếp cận với NutiMilk, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm sữa của NutiMilk đáp ứng được những tiêu chuẩn rất cao mà Kido Foods đưa ra. Từ chuẩn sữa sạch, an toàn, hàm lượng đạm, hàm lượng béo... các chỉ số này rất quan trọng để cho ra một hộp kem ngon, chất lượng quốc tế. Từ đó, chúng tôi bắt đầu chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sữa từ NutiMilk", ông Trầm cho biết.
Theo ông Lê Trọng, Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND H.Mang Yang: Trang trại bò sữa của Nutifood đã thật sự làm thay đổi, làm điểm nhấn cho ngành chăn nuôi Mang Yang và tạo nên sự lan tỏa ra các địa phương lân cận. Người dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn khi chuyển sang trồng cỏ, trồng ngô để cung cấp nguyên liệu cho trang trại, thay vì những cây trồng có giá trị không cao như trước đó.
Gần 10 năm giảng dạy và gắn bó với mảnh đất Mang Yang, TS Nguyễn Kiên Cường, Phó trưởng khoa Chăn nuôi Thú y (Đại học Nông Lâm TP.HCM) chia sẻ: Cách đây 10 năm, năng suất sữa ở địa phương chỉ ở mức khá 22 - 23 lít/ngày, đến nay đã cải thiện lên 31 - 32 lít/ngày; tiếp đó là sự xuất hiện của trang trại bò sữa NutiMilk sau 4 năm đã đạt sản lượng sữa tới 40 lít/ngày.
"Mang Yang hội tụ đủ mọi điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa. Để tận dụng lợi thế này, địa phương cần có chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn gắn với du lịch sinh thái. Khách du lịch đến đây ngoài thưởng lãm phong cảnh còn được thưởng thức sữa cùng các sản phẩm chế biến từ sữa bò và những loại sản vật địa phương", TS Cường đề xuất.
Diện tích đất nông nghiệp của Gia Lai bằng 5 tỉnh miền Trung cộng lại
Gia Lai có diện tích đất tự nhiên lớn thứ 2 của cả nước, có khí hậu mát mẻ "như một máy lạnh tự nhiên khổng lồ". Trong quy hoạch chung đã được phê duyệt thì tỉnh dành trên 850.000 ha đất để sản xuất nông nghiệp, bằng đất sản xuất nông nghiệp của 5 tỉnh miền Trung cộng lại. Đặc biệt, đất ở đây là đất đỏ bazan màu mỡ và đất sạch không bị ô nhiễm. Do có khí hậu tốt nên nền nông nghiệp Gia Lai đạt 35.000 tỉ đồng, hiệu quả tương đối cao so với các tỉnh thành khác. Hiện tỉnh đang phấn đấu doanh thu trong nông nghiệp sẽ tăng lên 2 tỉ USD/năm. Tuy nhiên hạn chế là năng suất lao động thấp. Thấy được tiềm năng và điểm yếu của mình nên thời gian vừa qua có sự dịch chuyển, tranh thủ được cơ hội và "né" được các vấn đề mà các tỉnh khác đi trước đã gặp phải là an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Ngành chăn nuôi còn nhiều không gian và dư địa phát triển có thể mang lại giá trị vô cùng to lớn.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai
Cần quy hoạch cụ thể để mời gọi nhà đầu tư
Mang Yang - Gia Lai hiện nay đã hội đủ các điều kiện thiên thời địa lợi. Để Mang Yang - Gia Lai trở thành trung tâm bò sữa hay thiên đường bò sữa, cần phải có khát vọng của lãnh đạo chính quyền địa phương, của doanh nghiệp và người dân bản địa. Trên cơ sở đó, tỉnh cần có quy hoạch cụ thể, hoặc rà soát lại quy hoạch để tính toán quy mô, có định hướng về dư địa phát triển và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT)
Chất lượng sữa bò Mang Yang tương đương thế giới
Địa hình đồi núi của Gia Lai có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước sạch tự nhiên. Riêng tại Mang Yang, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ rộng khắp địa bàn. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa. Chính sự kết hợp giữa môi trường thiên nhiên thuần khiết, với việc nhập giống bò sữa cao sản và công nghệ sản xuất hiện đại sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam nguồn sữa tươi dồi dào, chất lượng. Có thể thấy, điển hình sữa tươi tại trang trại bò sữa NutiMilk ở Mang Yang đã đạt đến 3,5 gr đạm trên 100 ml sữa, sản lượng 35 lít/con bò vắt sữa/ngày. Trong khi chuẩn ngành nông nghiệp chăn nuôi bò sữa đòi hỏi 2,7 gr đạm/100 ml. Như vậy, chất lượng sữa nguyên liệu tại NutiMilk tương đương các nước chăn nuôi bò sữa lớn trên thế giới.
PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa VN
Bình luận (0)