Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho biết mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
Diễn đàn thúc đẩy tăng trưởng xanh diễn ra chiều 8.4 tại TP.HCM |
CTV |
Thời gian gần đây, Việt Nam tiếp tục ban hành nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án với mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11.2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược này đề ra các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng các quy định, các tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết...
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỉ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực tư nhân, mà chính là cộng đồng doanh nghiệp FDI...
Ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm “xanh hóa” các ngành hàng, nếu các doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là “cạnh tranh xanh”. Và do đó, những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Bình luận (0)