Cần khôi phục rừng cho Lý Sơn

04/02/2025 09:02 GMT+7

Nói đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từng có cánh rừng già chẳng mấy người tin vì các ngọn núi, là miệng núi lửa ở hòn đảo này, phần lớn là núi đá, đất đai cằn cỗi thế, cây rừng làm sao mọc được! Suy luận như thế không sai khi nhìn đảo Lý Sơn bằng cái nhìn của ngày hôm nay. Nhưng Lý Sơn từng tồn tại một khu rừng già là có thật.

TỪ MỘT BỨC ẢNH

Tấm ảnh đăng kèm bài báo này được Hải quân Mỹ chụp năm 1965 khi họ vừa đặt chân lên đất nước ta, tiến hành cuộc "chiến tranh cục bộ". Trong lúc tìm tư liệu viết địa chí Lý Sơn, nhà nghiên cứu Võ Nguyên Phong đã phát hiện bức ảnh này.

Cần khôi phục rừng cho Lý Sơn- Ảnh 1.

Rừng nguyên sinh trong lòng hồ Thới Lới, đảo Lý Sơn năm 1965

ẢNH: TƯ LIỆU

Năm 1965, lính Mỹ đặt ra đa trên đỉnh núi Thới Lới, đồng thời xây dựng sân bay dã chiến ở phía đông đảo Lý Sơn nhằm khống chế toàn bộ khu vực biển Trung Trung bộ. Phải nhắc lại vài dòng trên đây để nói về bức ảnh chụp có khu rừng già trong miệng núi lửa Thới Lới là do quân đội Mỹ chụp chứ không phải của một nhà nhiếp ảnh nào của VN.

RỪNG TRONG KÝ ỨC NGƯỜI GIÀ

Có lần tôi hỏi ông Võ Văn Toại (87 tuổi, ở Lý Sơn), người chuyên làm hình nhân bằng đất sét để chôn vào những ngôi mộ gió, rằng trên miệng núi Thới Lới từng có rừng già, có đúng vậy không? Ông Toại nói rằng không chỉ ở miệng núi Thới Lới mà hầu như toàn bộ các miệng núi lửa ở Lý Sơn đều có rừng nguyên sinh.

Tôi lại hỏi vì sao trước đây dân Lý Sơn không phá rừng? Ông Toại cho biết việc cai quản rừng trên các miệng núi lửa đã giao cho từng thôn, kiểm soát nghiêm ngặt. Hơn nữa, đối với người Lý Sơn ngày xưa, rừng cây với họ rất thiêng liêng, có pha chút tâm linh. Dân Lý Sơn không dám phá rừng chính ở chỗ "tâm linh" này.

Ngay dưới chân núi Thới Lới (cạnh Huyện đội Lý Sơn hiện nay) có một con suối mang tên Chình, một loài sinh vật giống con lươn từng sinh sôi tại suối này. Nước từ cánh rừng trong miệng núi lửa Thới Lới chảy xuống qua suối Chình và đổ ra biển.

Suối Chình cũng là một di chỉ khảo cổ học được các nhà khảo cổ khai quật từ hơn 20 năm trước. Những hiện vật thu được từ đợt khai quật đó cho thấy nơi đây từng là chỗ trú ngụ của một cộng đồng dân cư vào thời kỳ cuối Sa Huỳnh đầu Chămpa, cách nay trên 2.000 năm.

Có lẽ chủ nhân của Lý Sơn ngày ấy đã xem những cánh rừng già trên các miệng núi lửa như là tài sản vô giá, giúp cho hòn đảo không phải đối mặt thường xuyên với hạn hán như ngày nay.

MẤT RỪNG, LÝ SƠN ĐỐI MẶT KHÔ HẠN, XÂM NHẬP MẶN

Sau này, không có người giữ rừng như trước, do cuộc sống khó khăn, người dân Lý Sơn bắt đầu chặt hạ những cánh rừng nguyên sinh từng tồn tại hàng ngàn năm. Ngoài việc lấy gỗ để dựng nhà, người dân còn chặt cả cây con làm củi nên rừng không còn cơ hội tái sinh. Vì vậy toàn bộ những cánh rừng trên đảo bị xóa sạch.

Trước tình trạng ngày càng trọc hóa đảo Lý Sơn, chính quyền địa phương cũng đã từng phát động phong trào trồng rừng trên đảo. Những cây dương ít ỏi còn sót lại ở Hòn Tai, Hòn Vung và dưới chân núi Thới Lới là kết quả của các đợt phát động trồng rừng này. Cách đây hơn 10 năm, Đoàn thanh niên trên đảo tiếp tục phát động trồng rừng với quyết tâm phủ xanh đồi trọc trên đảo, nhưng số lượng cây sống được quá ít.

Lý Sơn đã và đang đối mặt với khô hạn do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức để tưới cây trồng. Tình trạng xâm nhập mặn sâu vào lòng đảo là có thật. Miệng núi lửa Thới Lới đã thành hồ chứa nước ngọt nhưng cũng không cứu vãn được tình trạng khô hạn vào mùa hè.

Chỉ có phục hồi những cánh rừng đã mất mới mong đem lại vẻ đẹp hoang sơ cho hòn đảo này. Du khách cũng sẽ đến nhiều hơn nếu như xuất hiện trở lại những cánh rừng tái sinh trên đảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.