Cần lắm một con đường cho làng biển

23/09/2019 10:13 GMT+7

Nhiều đường làng ven biển thuộc H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã khang trang, nhưng con đường ven biển thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, H.Bình Sơn) vẫn chật hẹp. Nhiều ý kiến của người dân đã phản ánh những bất cập về con đường này.

Con đường “tiến thoái lưỡng nan”
Thôn Phước Thiện là một ngôi làng ngư dân làm nghề biển ngang. Dân số toàn thôn là 7.500 người, bằng con số cả 2 xã Bình Tân và Bình Phú cùng huyện hợp lại. So sánh để thấy, dân số đông như vậy nhưng Phước Thiện chỉ có con đường làng duy nhất, có dáng vóc của “đường làng thời bao cấp”, vừa gồ ghề vừa chật hẹp.
Tính về phương tiện giao thông, Phước Thiện có đến 3.500 xe máy, 50 ô tô đông lạnh, 60 xe ba bánh, nên vận hành trên con đường ấy rất dễ rơi vào tình cảnh “hai con dê qua một chiếc cầu”, mỗi khi qua lại đúng là “tiến thoái lưỡng nan”. Ngoài ra, có một nguy cơ rất lớn, do chỉ có con đường độc đạo nhỏ hẹp như vậy, nên nhỡ xảy ra hỏa hoạn hay sự cố gì thì tai họa thật khôn lường, vì không còn đường thoát hiểm.
Cách đây gần 20 năm, tôi đã đi qua nhiều con đường làng ở các xóm ven biển thuộc H.Bình Sơn, tình trạng cũng giống tình trạng của thôn Phước Thiện bây giờ. Sau 20 năm, biết bao đổi thay, biết bao vật đổi sao dời, nhiều nơi đường sá đã khang trang, nhưng con đường làng độc đạo của Phước Thiện thì “vũ như cẩn”. Biết bao giờ Phước Thiện mới trở thành “thôn nông thôn mới”? Lại có một điều rất đáng lo nữa, Phước Thiện là thôn ven biển, nhìn ra biển, cảnh biển rất đẹp nhưng bờ biển đã bị sạt lở nhiều chỗ, nguy cơ mất đất, trôi nhà cũng thấy rõ, vì nhà ở đây đều xây dựng sát biển.

Cần nâng cấp, mở rộng đường độc đạo

Tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi các huyện ven biển, đề xuất về hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và di dời dân khẩn cấp nếu thấy trước nguy cơ sạt lở đất hay lũ ống lũ quét. Đoạn biển sạt lở của thôn Phước Thiện dài 1.200 m, nếu xây kè chống sạt lở thì có thể kết hợp làm đường ven biển, giải thoát thế độc đạo của thôn, vừa chống sạt lở bờ biển vừa tạo đường giao thông, tạo đường thoát hiểm, phòng chống nguy cơ khi xảy ra cháy nổ. Cùng với mở đường kè ven biển thì cần tập trung nâng cấp “trong hiện trạng” con đường độc đạo của thôn, vì đường đã quá xuống cấp, tai nạn rất dễ xảy ra.
Tôi đã từng viết về ý tưởng “Xây dựng chuỗi đô thị nhỏ ven biển”, nhưng đó là một ý tưởng hơi… xa, trong khi một làng đánh cá như Phước Thiện, ngư dân vừa đông mà đất ở lại hẹp, đường làng vừa chật vừa độc đạo, bờ biển thì sạt lở, biết bao giờ ngư dân mới được ở trong một làng ven biển an toàn và tương đối khang trang?
Thiết nghĩ, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là “điện, đường, trường, trạm” và hạ tầng có nước sạch, giải quyết nguy cơ gây ô nhiễm, đồng thời giãn dân, không để tập trung dân quá đông, quá chật chội như Phước Thiện hiện nay.
Về một thôn nhỏ ven biển, đã thấy còn quá nhiều vấn đề bức xúc không thể không giải quyết. Không thể để tình trạng như vậy kéo dài, khi nguy cơ sạt lở bờ biển hay cháy nổ tai nạn vẫn chực chờ. Đồng thời, nguy cơ ô nhiễm do rác thải cũng đã rất rõ.
Vì vậy, cần có giải pháp tập trung khắc phục nguy cơ ở những “điểm nóng” như thôn Phước Thiện, bởi không thể xây dựng thành công nông thôn mới nếu không khắc phục được những điểm nóng như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.