Cần làm rõ về cách thức trả lương nhà giáo

27/11/2024 04:26 GMT+7

Những kỳ vọng, đòi hỏi với nhà giáo ngày càng cao: năng lực cần tiệm cận chuẩn quốc tế, đi đầu trong việc thực thi pháp luật, đạo đức… Vậy, chính sách đối với nhà giáo cần thay đổi theo hướng nào?

Chiều qua 26.11, Bộ GD-ĐT phối hợp với UNESCO tại VN tổ chức hội thảo về khung chính sách và pháp lý dành cho nhà giáo VN trong bối cảnh toàn cầu hóa.

YÊU CẦU NGÀY CÀNG CAO VỚI NHÀ GIÁO

Bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình giáo dục của UNESCO tại VN, cho rằng nhà giáo ở VN luôn đóng vai trò trung tâm trong hệ thống giáo dục của quốc gia, định hình và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Tương lai, vai trò của nhà giáo sẽ mở rộng với những thách thức về phát triển bền vững mà chúng ta đang phải đối mặt, sự tích hợp của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, việc áp dụng các phương pháp học tập có tính cá nhân hóa hơn, đòi hỏi sự thích ứng và hỗ trợ liên tục.

Để hỗ trợ nhà giáo hoàn thành vai trò quan trọng này cũng như giải quyết những thách thức mới nổi, điều cần thiết là phải xây dựng luật pháp toàn diện về nhà giáo. Luật này sẽ đảm bảo rằng nhà giáo có thể tiếp tục cung cấp nền giáo dục chất lượng cho mọi người, đóng góp vào một xã hội công bằng và hòa nhập hơn, nơi mà chính họ cũng là các đối tượng hưởng lợi".

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu nhiều kỳ vọng với nhà giáo khi cho rằng cần phải chuẩn bị đội ngũ nhà giáo có năng lực tiệm cận chuẩn quốc tế, trong đó trang bị, phát triển năng lực tiếng Anh, dạy bằng tiếng Anh cho đội ngũ nhà giáo.

GS Sơn cũng nêu trách nhiệm của nhà giáo trong việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn suốt đời; ở khía cạnh đạo đức, các chính sách cho nhà giáo làm sao để nhà giáo cũng cần phải đi đầu trong việc thực hiện pháp luật.

Cần làm rõ về cách thức trả lương nhà giáo- Ảnh 1.

Xây dựng các chính sách theo hướng tăng cường và thuận lợi nhất để thu hút phát triển nhà giáo

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nêu: "Nhà giáo phải được đào tạo để chuẩn bị cho người học trở thành những công dân toàn cầu tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng của họ, ở quốc gia của họ và trên thế giới". Cũng theo ông Tiến, mặc dù đội ngũ nhà giáo VN đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của công cuộc đổi mới giáo dục, đội ngũ này vẫn đang trong tình trạng thiếu về số lượng, bất hợp lý về cơ cấu, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), chia sẻ cùng với việc ghi nhận vị thế của nhà giáo, tăng quyền tự chủ cho nhà giáo thì trách nhiệm của nhà giáo cũng rất cao ở tất cả cấp học, bậc học.

Từng là người trực tiếp giảng dạy, bà Phụng nêu thực tế, nhà giáo không có lúc nào có thể coi là "xong việc" như các ngành nghề khác; hình ảnh nhà giáo lúc nào cũng phải mẫu mực từ trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội. "Vậy, chính sách dành cho nhà giáo về thu nhập có tính được những đòi hỏi cao như vậy không?", bà Phụng đặt câu hỏi và cho rằng cần làm rõ về cách thức trả lương cho nhà giáo chứ không chỉ nêu chung chung như hiện nay.

LƯƠNG GV VÀ CHÍNH SÁCH: CÂU CHUYỆN CỦA TOÀN CẦU

Trong Báo cáo toàn cầu về nhà giáo, ông Peter Wallet, chuyên gia Chương trình giáo dục của UNESCO, nêu thực tế mức lương của giáo viên (GV) vẫn là một thách thức ở nhiều nơi. Cụ thể, mức lương của GV tại nhiều nước không có tính cạnh tranh và đang dần mất đi sự hấp dẫn. GV tiểu học tại hơn một nửa số quốc gia trên thế giới có mức lương thấp hơn các ngành nghề khác có yêu cầu tiêu chuẩn tương tự. Ở châu Âu, có đến 7/10 nước xảy ra tình trạng này...

Cũng theo báo cáo trên, tình trạng GV bỏ nghề làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu GV, với tỷ lệ GV bỏ nghề tăng gấp đôi trên toàn cầu, từ 4,62% năm 2015 lên 9,06% năm 2022. Tỷ lệ GV bỏ nghề ở VN cũng ở mức cao theo số liệu năm 2022.

Theo ông Peter Wallet, các yếu tố dẫn đến việc GV bỏ nghề có thể kể đến: điều kiện làm việc và mức độ hài lòng với nghề của GV, yếu tố thu hút giữ chân (chế độ tiền lương, đãi ngộ và cơ hội thăng tiến), các yếu tố cá nhân (nghỉ hưu, vấn đề sức khỏe hoặc trách nhiệm gia đình)…

TS Li Tingzhou (Trung tâm đào tạo GV, ĐH Sư phạm Thượng Hải, Trung tâm đào tạo cấp độ 2 của UNESCO), nêu thực tế tại Trung Quốc, tổng chi dành cho tiền lương và chế độ chính sách của GV tăng từ 951,38 tỉ nhân dân tệ năm 2015 lên 3.088,4 tỉ nhân dân tệ năm 2021 (mức tăng 224,62%). Tỷ trọng chi cho tiền lương và chế độ chính sách của GV trong tổng chi ngân sách quốc gia dành cho giáo dục từ 41,1% năm 2012 lên 67,38% năm 2021.

Cần làm rõ về cách thức trả lương nhà giáo- Ảnh 2.

Các yêu cầu đối với nhà giáo trong thời kỳ mới và chính sách đi kèm là những vấn đề được tập trung thảo luận tại hội thảo

ẢNH: TRẦN HIỆP

Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, TS Li Tingzhou cho rằng cần thúc đẩy chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo; tăng tính hấp dẫn của nghề GV…

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng nếu quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt và khối lượng công việc lớn nhưng không có hỗ trợ đầy đủ thì có thể làm GV cảm thấy chán nản. Ông Vinh đề nghị cần thúc đẩy các yếu tố cốt lõi giúp GV gắn bó với nghề, như: nhấn mạnh sự đóng góp của GV để tăng tinh thần và sự trân trọng từ cộng đồng; thực hiện khen thưởng dựa trên hiệu suất để nâng cao chất lượng giảng dạy; khuyến khích cân bằng công việc và cuộc sống bằng cách giảm nhiệm vụ hành chính và cải thiện tỷ lệ GV/học sinh. Điều chỉnh lương để tương xứng với các ngành nghề khác, nâng cao uy tín và thu hút nhân tài.

GS Vinh cũng cho rằng nghề giáo cũng cần xây dựng tiêu chí thăng tiến rõ ràng, tăng cường phúc lợi y tế, tiền thưởng và các hỗ trợ khác cho GV. Mở rộng chương trình học bổng và trợ cấp học phí cho GV trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

CHÍNH SÁCH CHO NHÀ GIÁO KHÔNG CHỈ LÀ VẤN ĐỀ TIỀN LƯƠNG

Phát biểu cuối hội thảo, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh vai trò của nhà giáo. Đầu tư cho giáo dục, phát triển nhà giáo là đầu tư cho sự phát triển, cho hiện tại và tương lai. Nhà giáo không tranh giành, đòi hỏi quyền lợi nhưng chính sách cho nhà giáo cần được họ hân hoan đón nhận, thu hút người giỏi vào ngành sư phạm…

Cũng theo ông Thưởng, xây dựng các chính sách theo hướng tăng cường và thuận lợi nhất để thu hút phát triển nhà giáo. Chính sách đó không chỉ là vấn đề tiền lương, mà còn là điều kiện làm việc, không gian sáng tạo, cách ứng xử với nhà giáo để giữ sự tôn nghiêm của nghề. Nhà giáo không phải dạy quá sĩ số học sinh, không phải dạy thừa giờ, không phải dạy liên trường, liên cấp… Đây không phải ưu đãi, biệt đãi đối với nhà giáo, mà là những chính sách cơ bản mà kinh nghiệm trên quốc tế đã chứng minh.

Cần làm rõ về cách thức trả lương nhà giáo- Ảnh 3.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: "Nhà giáo không tranh giành, đòi hỏi quyền lợi nhưng chính sách cho nhà giáo cần được họ hân hoan đón nhận, thu hút người giỏi vào ngành sư phạm"…

ẢNH: TRẦN HIỆP

Ông Thưởng cũng nhấn mạnh chính sách của Trung Quốc đối với nhà giáo, đặc biệt là chính sách lương tăng mỗi năm trung bình 10% và coi đây là "thách thức với VN", cần vận dụng sao cho phù hợp.

Ông Thưởng cũng nhắc lại tầm quan trọng của chính sách tuyển dụng, quản lý nhà giáo theo hướng phân cấp theo hệ thống ngành dọc, giao quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho ngành giáo dục. Cạnh đó, ông Thưởng cũng nêu yêu cầu và trách nhiệm với nhà giáo ngày càng cao hơn cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo GV. Ví dụ, để thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì không chỉ vai trò của thầy cô dạy tiếng Anh mà tiến tới là GV dạy các môn học khác bằng tiếng Anh.

Ông Thưởng khẳng định, tinh thần chung khi xây dựng, hoàn thiện luật Nhà giáo là đi theo xu thế của quốc tế, nghiên cứu, tiếp nhận thông tin hữu ích để bổ sung vào dự thảo luật Nhà giáo với mục tiêu khi luật này được ban hành thì trước hết phải đáp ứng được nguyện vọng mong muốn của đội ngũ nhà giáo rồi đến cán bộ quản lý, của xã hội...

6 đề xuất về chính sách nhà giáo

Báo cáo toàn cầu về nhà giáo của UNESCO dẫn 6 đề xuất hướng đến nâng cao vị thế của nghề nhà giáo:

- Xây dựng chính sách nhà giáo toàn diện gắn với các ưu tiên quốc gia thông qua hợp tác và đối thoại xã hội.

- Thu thập dữ liệu đầy đủ và chất lượng hơn để cập nhật một cách có hệ thống các chỉ số đưa ra tại Khung hành động vì mục tiêu giáo dục 2030.

- Chuyển đổi nghề giáo và cách thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn dựa trên tổ chức các khóa học mang tính cá nhân sang học tập suốt đời, hợp tác và do GV làm chủ.

- Cải thiện điều kiện làm việc của GV, đảm bảo mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn, đảm bảo công bằng giới trong chế độ tiền lương và cách thức đối xử đối với GV.

- Đảm bảo nguồn đầu tư công trong nước đáp ứng tiêu chuẩn 6% GDP và 20% tổng chi tiêu của Chính phủ.

- Tăng cường hợp tác quốc tế để vận động sự tham gia của nhiều nước khác nhau nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.