Sự việc đã gần 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in. Buổi chiều hôm đó tôi đang trực cấp cứu ngoại khoa tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Khi đó, có rất đông bệnh nhân nên chúng tôi quay cuồng và không kịp ăn tối.
Bảy giờ tối, một người tuổi trung niên được đưa vào phòng cấp cứu, bệnh nhân đang nôn ra máu rất nhiều, máu đỏ tươi, đi cùng chiếc băng ca là cậu ruột tôi, nhà thơ Hải Như, tác giả của bài hát Thành phố hoa phượng đỏ một thời lẫy lừng và từng là bài hát tiêu biểu cho TP.Hải Phòng.
Bệnh nhân chính là con của cậu tôi, bị xuất huyết tiêu hóa trên, do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Suốt đêm hôm đó, mặc dù bệnh viện đã dùng đến giọt máu cuối cùng với hơn 30 đơn vị máu, nhưng chúng tôi cũng không thể cứu được anh. Có những lúc tôi đỡ anh trên tay và anh thều thào nói: Nam ơi cứu anh với! Tôi lặng lẽ gạt nước mắt thầm nói: “Anh à, em đã làm hết sức, bệnh viện cũng đã làm hết sức. Có những cái mà sức người đều có hạn, chỉ có tấm lòng con người là vô hạn mà thôi”. Thế rồi anh cứ lịm dần trong vòng tay của tôi, tôi đã bật khóc, tự hỏi: “Sao vậy, mày là đồ bất tài, không cứu nổi anh mày”.
Kể lại câu chuyện đó, để thấy rằng những người làm nghề y, đôi khi mải lo chăm sóc, chữa trị cho người bệnh chiếm hết thời gian mà sức khỏe của những người thân trong gia đình hay chính bản thân mình lại không được quan tâm chu đáo.
Đúng như vậy, chúng tôi, những người thầy thuốc một khi đã bước vào sự nghiệp dấn thân vì sức khỏe và sự sống của mọi người, phải đặt nhiệm vụ cứu chữa người lên hàng đầu. Tuy có những lúc chưa làm được đúng như mong muốn của mọi người, nhưng chúng tôi cũng đều rất cố gắng làm tròn thiên chức của mình, làm tròn nghĩa vụ với cuộc sống theo đúng lời thề Hipocrate mà tất cả các thầy thuốc đã thề khi bước chân khỏi trường đại học y khoa.
Có những ca bệnh, khi mới vào trông bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, được khám và kiểm tra trước phẫu thuật, cuộc phẫu thuật cũng không lấy gì làm nặng nề lắm, thế nhưng sau đó bệnh nhân lại trở nặng, thậm chí tử vong, không rõ nguyên nhân. Với những trường hợp này, dễ làm người nhà bức xúc, dư luận lên án, có bác sĩ không chịu nổi áp lực của dư luận rơi vào trạng thái trầm cảm.
Chúng tôi không chấp nhận với những trường hợp y, bác sĩ tắc trách, lơ là dẫn đến bệnh nhân trở nặng, tử vong. Nhưng, những người hành nghề y chúng tôi cần lắm sự chia sẻ của người bệnh, dư luận với những ca bệnh khó mà chúng tôi đã làm hết sức mình nhưng không cứu được, hoặc những rủi ro ngoài ý muốn của chúng tôi.
Ngày tôn vinh thầy thuốc, nhưng cũng hãy là ngày mà người bệnh, người dân, dư luận cần chia sẻ về những nhọc nhằn của nghề, cũng như những rủi ro luôn thường trực mà y, bác sĩ đối mặt.
Bình luận (0)