Cần liên kết để nghề nuôi nghêu phát triển bền vững

16/07/2016 08:10 GMT+7

Những năm gần đây, nghề nuôi nghêu ở Trà Vinh thường gặp cảnh “được mùa, mất giá”, thậm chí bị “bí” đầu ra… do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, HTX để đảm bảo phát triển bền vững.

Chưa quy hoạch nghề nuôi
Ông Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết theo kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Hải dương học Nha Trang, toàn bộ diện tích hơn 15.000 ha đất cồn và bãi bồi ven biển của tỉnh này rất thích hợp để phát triển nghề nuôi nghêu.
Tuy nhiên, do công tác quy hoạch chưa cụ thể nên đến nay, toàn tỉnh chỉ mới giao khoán cho các xã Đông Hải, Trường Long Hòa (H.Duyên Hải), Long Hòa (H.Châu Thành), Mỹ Long Nam (H.Cầu Ngang) để thành lập 6 hợp tác xã (HTX) và 1 tổ hợp tác nuôi nghêu trên diện tích khoảng 3.500 ha, với tổng số xã viên trên 2.000 người; sản lượng nghêu thương phẩm khoảng 4.000 tấn/năm, doanh thu từ 90 - 100 tỉ đồng.
Năm 2006, để giúp những hộ nghèo không có đất nuôi trồng thủy sản, UBND xã Long Hòa vận động một số hộ khá, giàu thành lập HTX nuôi nghêu Tiến Thành và giao 300 ha đất bãi bồi để sản xuất. Điều kiện ràng buộc với Ban quản lý HTX là chỉ vận động hộ nghèo tham gia. Tuy được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng vài năm đầu chỉ có hơn 60 hộ nghèo tại địa phương vào HTX; số còn lại do sợ “đem tiền bỏ biển”, nuôi nghêu không hiệu quả rồi mang nợ nên chần chừ chưa chịu vào. Nhờ bãi nuôi mới, môi trường nước tốt và ổn định nên mấy vụ nghêu đầu đều thắng lớn, lợi nhuận ít nhất 1 đồng vốn - 2 đồng lời, nên đến nay số xã viên của HTX nuôi nghêu Tiến Thành đã tăng lên 350 người, cao gấp gần 6 lần so với lúc mới thành lập.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hoàng, Phó giám đốc HTX nuôi nghêu Tiến Thành, trong 3 năm nay, lợi nhuận của HTX liên tục giảm, 1 đồng vốn chỉ còn 1 đồng lời. Nguyên nhân do đầu ra của nghêu thương phẩm rất bấp bênh, đến mùa thu hoạch thường bị thương lái “hè” nhau ép giá. Điển hình như vụ nghêu 2015 - 2016, sản lượng nghêu của HTX ước đạt hơn 600 tấn, nhưng sau 4 tháng kể từ ngày vào vụ thu hoạch, hiện mới chỉ bán được hơn 200 tấn. Giá bán cũng chỉ còn 17.000 đồng/kg, thấp hơn vụ trước 4.000 đồng/kg.
Liên kết để phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc HTX nuôi nghêu Đồng Tiến (xã Mỹ Long Nam), cho biết thêm năm nay sản lượng nghêu của HTX ước thu hoạch hơn 400 tấn. Giá nghêu thấp là xã viên đã chịu thất thu, vậy mà vẫn không có thương lái nào chịu ký kết hợp đồng thu mua hết sản phẩm. Với tình trạng đầu ra không ổn định thế này, vụ nghêu mới HTX không dám mở rộng diện tích bãi và tăng sản lượng nghêu giống nuôi để tăng thu nhập cho xã viên.
Ông Phạm Minh Truyền cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh Trà Vinh, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành quy hoạch chi tiết, khảo sát đánh giá để cơ cấu con giống nuôi thủy sản cho toàn bộ diện tích đất cồn và bãi bồi ven biển. Trong đó, hướng phát triển nghề nuôi nghêu đến năm 2020 là nâng diện tích thả nuôi khoảng 6.000 ha. Ngành nông nghiệp sẽ xây dựng quy trình nuôi theo hình thức thâm canh, xây dựng bãi nuôi dưỡng và khai thác nguồn nghêu giống… Chủ trương của tỉnh phát triển nghề nuôi nghêu vẫn là ưu tiên dành cho người nghèo sản xuất tập thể, thành lập các đội dân quân tự vệ để cộng đồng trách nhiệm giữ gìn sự bình yên cho vùng biển địa phương.
Chủ trương và định hướng cho nghề nuôi nghêu của tỉnh Trà Vinh vẫn là chuyện phía trước. Còn hiện tại, điều mà tất cả các tổ hợp tác, HTX nuôi nghêu trong tỉnh cần là sự hỗ trợ liên kết giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và HTX. Trong đó, các ngành chức năng như: Sở Công thương, Liên minh HTX, Sở KH- CN, Sở NN- PTNT cần hỗ trợ hướng dẫn quy trình nuôi nghêu thâm canh theo hướng sản phẩm sạch, xây dựng thương hiệu nghêu Trà Vinh, kết nối doanh nghiệp hợp đồng thu mua sản phẩm cho các HTX. Có vậy, mới thực sự giúp được người nghèo ven biển ổn định, nâng cao đời sống khi tham gia vào HTX và giúp nghề nuôi nghêu phát triển bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.