Thanh Niên đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Vân Anh (29 tuổi, trú P.Thổ Quan, Q.Đống Đa, Hà Nội), Bùi Ngọc Thủy (37 tuổi, trú P.Cát Linh, Q.Đống Đa) và Khương Thị Tuyến (29 tuổi, trú P.Bồ Đề, Q.Long Biên) để điều tra về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Nguyễn Thị Vân Anh còn bị khởi tố thêm tội danh cưỡng đoạt tài sản; đồng thời chồng của bị can này là Đào Quốc Huy (29 tuổi) cũng bị khởi tố tội danh cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện ngoài mức lãi suất từ 10.000 - 20.000 đồng/triệu đồng/ngày, mỗi ngày trả lãi và gốc từ 150.000 - 200.000 đồng, hoặc theo chu kỳ 10 ngày trả lãi/lần, các bị can còn yêu cầu người vay phải quay, chụp ảnh chân dung, CMND/CCCD, ảnh giao diện trên mạng xã hội Facebook, Zalo, video và hình ảnh nhạy cảm… để buộc con nợ phải trả lãi và tiền vay.
Tránh sập bẫy hình thức “cầm cố” mới
Bạn đọc (BĐ) Hữu Thắng bày tỏ: “Có giàu trí tưởng tượng cỡ nào, tôi cũng không thể ngờ rằng những kẻ cho vay nặng lãi lại có thể nghĩ ra chiêu trò dùng video, hình ảnh “nóng”, nhạy cảm của người vay để có thể “nắm tóc” được con nợ. Lâu nay, vẫn thường thấy những kẻ cho vay nặng lãi ném mắm tôm, tạt sơn, gọi điện đến người thân của con nợ để “khủng bố” nhằm tạo sức ép buộc con nợ phải trả lãi, tiền vay... Nhưng dùng hình ảnh nhạy cảm của người vay để “làm tin” thì cho thấy sự liều lĩnh và xem thường pháp luật của loại tội phạm này. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi, cảnh báo cho người dân để tránh sập bẫy với hình thức “cầm cố” cho vay nặng lãi này”.
Bị can Nguyễn Thị Vân Anh tại cơ quan công an |
CÔNG AN CUNG CẤP |
“Tại sao có người lại đối xử với nhau quá dã man, bất chấp mọi thủ đoạn thế này! Cho vay nặng lãi, lấy hình ảnh “nhạy cảm” của phụ nữ để khống chế con nợ. Cơ quan chức năng cần truy tố và xử lý thật nặng!”, BĐ Tran Ngoc Ty bức xúc.
Trong khi đó, BĐ Nguyễn Đức Hưng khuyến cáo: “Ngoài hình thức “thế chấp” ảnh nóng để được cho vay lãi suất cao, người dân cũng cần tránh xa các ứng dụng cho vay nặng lại được quảng cáo là “không cần điều kiện”, “thủ tục đơn giản”... Khi các hình thức “cổ điển” như: tạt sơn, ném chất bẩn, gọi điện “khủng bố”... đã bị cơ quan chức năng xử lý hàng loạt vụ để răn đe, những kẻ cho vay nặng lãi chuyển sang hình thức buộc người vay cung cấp mật khẩu điện thoại, email cá nhân, mật khẩu tài khoản lưu trữ đám mây... (và gọi đây là hình thức đơn giản). Do vậy, người dân cần cảnh giác, tránh tạo điều kiện để biến mình thành nạn nhân của kẻ xấu”.
Cần giải pháp hỗ trợ người khó khăn
Theo BĐ Phạm Đình Kiên, hầu hết người vay phải đến với “tín dụng đen” khi nhu cầu về tiền mặt của họ đã rất cần kíp, dẫn đến thiếu tỉnh táo. “Đến với “tín dụng đen”, ngoài việc phải trả tiền với lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng, người vay cần phải nhận diện được những nguy cơ “tan cửa nát nhà” vì rất khó trả lãi lẫn gốc cho những đường dây này”, BĐ Kiên phân tích.
Đồng tình, BĐ Phan Lê phân tích thêm: “Một vấn đề mấu chốt là nhiều người không có cơ hội cũng như khó tiếp cận các tổ chức tín dụng chính thống, dẫn đến khi cần tiền đành phải làm liều. Bản thân tôi từng làm việc trong ngân hàng nhưng khi nghỉ làm, trong tay không có tài sản, lấy gì để tiếp cận những khoản vay từ các tổ chức tín dụng chính thống?...”.
“Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cần bàn thảo, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay linh hoạt, nhanh chóng với sự kết hợp xét duyệt điều kiện vay giữa chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng, quỹ về chính sách hỗ trợ người lao động, các quỹ từ ngân hàng chính sách xã hội để từng bước xóa bỏ những loại hình cho vay biến tướng kiểu “tín dụng đen”... Đồng thời, xử phạt thật nặng đối với bên cho vay nặng lãi nếu phát hiện được qua nguồn tin trình báo của người dân”, BĐ Tấn Lộc kiến nghị.
* Lấy video, hình ảnh nóng của con nợ để ép trả lãi, tiền vay không chỉ là hành vi nhẫn tâm, xem thường nhân phẩm của con nợ, đặc biệt là phụ nữ mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Cơ quan chức năng cần xem xét hành vi này như tình tiết tăng nặng đối với những bị can bị xử lý về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Ngọc Vân
* Mùa dịch Covid-19, nhiều người gặp phải hoàn cảnh khó khăn mà đi mượn tiền các ngân hàng khó quá nên họ phải vay tiền của các nhóm như này. Muốn dẹp tình trạng “tín dụng đen”, chỉ có nhà nước tạo điều kiện cho người dân vay ngân hàng dễ dàng hơn...
Quang Minh
Bình luận (0)