Trong bối cảnh Đông Nam Á đang hứng chịu hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, việc quản lý, sử dụng sông Mê Kông càng phải được minh bạch hơn nữa.
Khô hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh: Công Hân |
Tờ The Nation (Thái Lan) dẫn lời các chuyên gia nước này hoan nghênh việc Trung Quốc xả nước từ một trong các đập thủy điện trên sông Mê Kông từ 15.3 - 10.4 để hỗ trợ giảm hạn tại Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc thông báo cho các nước hạ nguồn trong khu vực về lịch xả nước. Lần này là mục đích hỗ trợ các láng giềng cứu hạn nhưng lâu nay cũng có không ít ý kiến nghi ngờ việc Trung Quốc âm thầm xả nước ở thượng nguồn đã gây lụt lội bất thường ở hạ nguồn, cũng như làm mực nước sông Mê Kông tăng đột ngột, ảnh hưởng nông nghiệp và đánh bắt thủy sản.
Vì thế, theo các chuyên gia, điều quan trọng ở đây là tất cả các bên phải có thông báo rõ ràng về kế hoạch quản lý nguồn nước cũng như cơ chế hợp tác hiệu quả để vừa khai thác hợp lý vừa bảo tồn sông Mê Kông. “Chúng tôi nghĩ Trung Quốc không nên nhận công trong việc xả nước. Chúng tôi muốn được thông tin trước về các động thái liên quan đến Mê Kông”, ông Jirasak Intarayos, điều phối viên của Tổ chức phi chính phủ Rak Chiang Kong ở tỉnh Chiang Rai, Thái Lan, nói với The Nation.
Bản thân Thái Lan cũng gây lo ngại cho các láng giềng với kế hoạch bơm nước, chuyển dòng Mê Kông để chống hạn. Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã bày tỏ quan ngại và đề nghị Thái Lan sớm cung cấp thông tin cụ thể về kế hoạch này.
Trong khi đó, chuyên gia Pienporn Deetes, thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế, cho rằng cần có một cơ chế xuyên biên giới trong khu vực để thảo luận về những biện pháp quản lý sông Mê Kông trong bối cảnh đập thủy điện xuất hiện ngày càng nhiều. Cơ chế hợp tác lâu nay, là Ủy ban Sông Mê Kông, bị đánh giá là gần như chỉ còn cái tên.
Theo chuyên san The Diplomat, việc Lào khăng khăng xúc tiến xây 11 con đập trên sông Mê Kông là một trong những lý do khiến các nhà tài trợ ngừng ủng hộ Ủy ban Sông Mê Kông và hiện tổ chức này chỉ còn khoảng 1/3 trong số 65 triệu USD cần để thực hiện kế hoạch 5 năm sắp tới.
Hiện gần như toàn bộ Đông Nam Á đang hứng chịu đợt hạn hán và thời tiết nóng tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập niên qua do hiện tượng El Nino. Tình trạng này đe dọa ngành lúa gạo ở Việt Nam và Thái Lan cũng như dầu cọ ở Malaysia và chưa có dấu hiệu giảm nhẹ trong những tháng sắp tới. Theo tờ The Straits Times, Thái Lan ghi nhận sản lượng lúa trong niên vụ hiện tại đã giảm 4,6 triệu tấn, tức 14,5%, so với năm ngoái.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ NN-PTNT, tình trạng xâm nhập mặn đang gia tăng ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã gây thiệt hại hơn 200.000 tấn lúa và mực nước trên sông Cửu Long đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1926.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Malaysia khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời và uống nhiều nước do đang có đợt nắng nóng lên tới 39 độ C.
Tờ The Star dẫn lời Bộ trưởng S.Subramaniam cho hay đã ghi nhận ít nhất 14 trường hợp bị kiệt sức do nắng nóng trên khắp nước kể từ ngày 1.3 đến nay. Sắp tới, chính phủ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu nhiệt độ tăng trên 40oC liên tục trong 7 ngày.
Cũng có một số thành viên ASEAN, chẳng hạn như Indonesia, có công tác ứng phó tác động của hạn hán và nắng nóng tốt hơn. The Straits Times dẫn lời Tổng thư ký Bộ Nông nghiệp Hari Priyono cho biết Indonesia dự báo tác động của hạn hán từ đầu năm 2014 nên chủ động thực hiện nhiều chương trình nhằm giảm nhẹ tác động như phục hồi các mạng lưới thủy lợi và cung cấp máy bơm nước cho nông dân.
Bình luận (0)