Không yêu cầu các hỗ trợ, ưu đãi, hầu hết các doanh nhân đều mong muốn có một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch... để họ thỏa sức phát huy nội lực, cạnh tranh sòng phẳng với các DN ngoại tại sân nhà và khi ra thế giới.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, mong muốn nhà nước chuẩn hóa hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh. Hiện một số vấn đề còn chồng chéo làm ảnh hưởng quá trình hoạt động của DN, đồng thời tác động lợi ích của người dân và làm các cơ quan quản lý lúng túng khi thực thi. Đơn cử, thị trường bất động sản đang rất cần sự chỉn chu trong cơ chế của mỗi địa phương để đảm bảo các dự án nằm trong quy hoạch tổng thể. Đồng thời có cơ chế đầu tư, giám sát rõ ràng để từ đó tạo nên bộ mặt toàn diện hơn cho địa phương và sự cân bằng cho cộng đồng DN.
“Thời gian qua Chính phủ rất quyết liệt trong việc đưa ra các giải pháp và chủ trương rút ngắn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó các văn bản hướng dẫn, triển khai dưới luật chưa truyền tải được thông điệp này dẫn đến phát sinh các thủ tục, giấy phép con không đáng có. Nếu không giải quyết được dứt điểm cũng sẽ là rào cản cho sự phát triển trong kinh doanh và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội”, ông Trung nói và cho rằng việc hoàn thiện hệ thống luật trên cũng chính là một trong những yếu tố tạo nên sức bật cho cộng đồng DN phát triển. Có thể ví dụ hệ thống luật như việc tình hình giao thông trên đường phố. Cần phân định rõ chỗ nào được chạy nhanh, chạy chậm hay phải dừng, để DN hiểu và đi đúng luật.
“Tuy nhiên, để làm được điều đó, như tôi đã nói, chúng ta cần có hệ thống pháp luật rành mạch và chuẩn hóa hơn. Vì việc đăng ký lập một DN rất đơn giản. Nhưng làm sao để duy trì và phát triển nó lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho xã hội mới là quan trọng”, ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho rằng xét về lợi thế cạnh tranh các DN trong nước vẫn còn thua thiệt nhiều so với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ họ vẫn gặp khó với nhiều thủ tục hành chính, nhiều bộ ngành chưa quyết liệt cắt bỏ giấy phép con. Trong khi đó, để phát triển kinh tế tư nhân đòi hỏi chính phủ điện tử với những con người “điện tử” để tạo ra những chuyển biến đáng kể. Mọi cái cần được số hóa; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước.
TS Trần Hoàng Ngân cũng đánh giá các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN trong nước đã có, nhưng thực thi lại chưa tới nơi tới chốn. Chính sách được áp dụng thế nào, còn vướng mắc ở đâu vẫn chưa được giám sát cụ thể. Chẳng hạn các buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN cũng được tổ chức nhiều từ T.Ư đến địa phương nhưng sau đó giải quyết lại chưa triệt để. Đồng thời cần chế tài nghiêm khắc với các công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho hoạt động của DN. Khi đó mới tạo được niềm tin cho các doanh nhân để họ sẵn sàng đầu tư, mở rộng kinh doanh sản xuất. Mục tiêu của VN từ nay đến năm 2020 có hơn 1 triệu DN thì phải nỗ lực nhiều hơn mới có khả năng đạt được. Một số chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ đã có nhưng chưa được lan tỏa rộng và các địa phương phải có nhiều đột phá hơn. Ví dụ mỗi địa phương cần phải hình thành các trung tâm sáng tạo, ươm mầm để khuyến khích cho các ý tưởng kinh doanh. Chính phủ và địa phương phải có sự đầu tư ban đầu và chấp nhận rủi ro trong đầu tư đó, như không xem xét kỷ luật người ra quyết định đầu tư. Quan trọng nhất là chính sách minh bạch, cụ thể để khuyến khích việc đầu tư ở giai đoạn đầu. Sau đó DN lớn mạnh thì nhà nước lại thu được thuế, gia tăng ngân sách quốc gia…
Bình luận (0)