Trong bối cảnh hiện nay VN rất cần một quyết tâm chính trị mang tính nhất quán về chủ trương và một kỷ cương về hành động của toàn hệ thống, của cả dân tộc để biến lợi thế của biển thành lợi ích của đất nước.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Ảnh: NVCC |
Đây là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên. Đánh giá ngắn gọn về lợi thế biển của VN, PGS Nguyễn Chu Hồi cho biết:
Với lợi thế “mặt tiền” hướng biển, hướng ra “ngã ba đường” của thế giới, biển đã thực sự gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của các dân tộc Việt từ nhiều đời nay. Thế đứng tự nhiên - lịch sử như vậy đã tạo cho chúng ta một vị thế địa chính trị và địa kinh tế cực kỳ trọng yếu trong hình thế chiến lược phát triển toàn cầu và khu vực.
Biển và hải đảo là không gian sinh tồn và phát triển của các dân tộc Việt, tạo ra thế và lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo đảm chủ quyền đất nước. Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi nương tựa của hàng chục triệu người dân đất Việt, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng, không tách rời của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế…
Theo ông việc xây dựng chính sách cần đảm bảo lưu ý đến những vấn đề gì có thể để tận dụng và phát huy các lợi thế biển của VN?
Các vấn đề biển của nước ta chứa đựng cả yếu tố quốc gia và quốc tế. Vì vậy chính sách biển một mặt phải có tác động điều chỉnh hành vi phát triển của các ngành kinh tế biển, tạo ra một trật tự pháp lý ổn định trên biển VN với sự góp sức của người dân. Mặt khác phải có khả năng hội nhập quốc tế, phù hợp với tinh thần của công pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Trong phát triển, cần chú trọng cả yếu tố truyền thống và hiện đại, chú trọng phát triển các nghề biển xa và chuẩn bị từng bước điều kiện để vươn ra đại dương. Trong bối cảnh thế giới tiến ra biển và đại dương ở thế kỷ 21 với các chiến lược biển quốc gia đầy kỳ vọng và trong xu thế thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền” thì việc nhận diện một “VN biển” và vị trí quan trọng của nó đối với chiến lược phát triển đất nước như vậy là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” đất nước.
Biển phải trở thành yếu tố trọng yếu và không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân và trong việc lựa chọn con đường đi tới của dân tộc ta.
Ông nhận xét thế nào về ý chí biển VN thể hiện trên bình diện các chính sách của nhà nước?
|
Nhận thức rõ vị trí chiến lược của biển, hải đảo đối với kinh tế và an ninh quốc phòng, chúng ta đã sớm có những chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán trong việc thể hiện ý thức và ý chí biển cả của dân tộc qua các thời kỳ. Đã có nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến các vấn đề này được ban hành như các tuyên bố của Chính phủ ngày 12.11.1977 (về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN) và 12.11.1982 (về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải VN).
Trong các văn bản này đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ VN. Sách trắng về chủ quyền của VN trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Bộ Ngoại giao công bố trong các năm 1979, 1981 và 1988 cũng đã chứng minh rõ ràng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: lịch sử, pháp lý và thực tiễn quốc tế.
Năm 1982 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã chính thức trở thành hai huyện đảo. Hiến pháp 1980, 1992 đều khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển. Nghị quyết của Quốc hội khóa 9, kỳ họp thứ 5 ngày 23.6.1994 phê chuẩn UNCLOS 1982 đã khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế. Năm 2003, luật Biên giới quốc gia cũng một lần nữa xác lập các đơn vị hành chính biển với 12 huyện đảo thuộc 28 tỉnh, thành phố có biển.
Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân các huyện đảo được nâng lên rõ rệt. Chính quyền và nhân dân các huyện đảo vẫn không ngừng tập trung công sức và trí tuệ cho việc bảo vệ và xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh.
Được biết ông từng có ý tưởng về việc đưa ra một thông điệp thể hiện ý chí biển của VN. Nếu được quyền lựa chọn ông sẽ chọn thông điệp nào?
Có lẽ do hiểu được vai trò của biển đối với tương lai dân tộc, đối với cuộc sống trước mắt và lâu dài của nhân dân và vai trò của nhân dân, đặc biệt ngư dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, ngay từ năm 1959 khi về thăm bà con ngư dân ở Cát Bà (Hải Phòng) và Tuần Châu (Quảng Ninh), Bác Hồ đã có câu nói bất hủ: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ!”.
Chúng tôi đã từng đề nghị cho phép sử dụng câu nói trên của Bác như một khẩu hiệu hành động chiến lược, thể hiện ý chí biển cả của dân tộc ta. Đây không chỉ là lời căn dặn thông thường mà có thể coi là một “thông điệp dân tộc” thể hiện ý chí biển của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Biển mãi mãi thiêng liêng với dân tộc Việt và câu nói đó của Người cũng mãi mãi sẽ là một mệnh lệnh hành động trong trái tim của người dân VN.
Ng.Phong (thực hiện)
>> Đừng đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam
>> Kêu gọi thanh niên thế giới phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền VN
>> Không một quốc gia nào công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Hoàng Sa
>> Thanh niên có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Bình luận (0)