Cần một 'tổng kho dữ liệu' ca trù

11/07/2019 06:07 GMT+7

Những tư liệu ca trù đang nằm rải rác trong tay những nghệ nhân hoặc nhà nghiên cứu, sưu tầm. Để bảo tồn, phát huy di sản này, cần có một dự án để xây dựng “tổng kho dữ liệu” ca trù.


Vốn quý từ những cuốn băng cũ mốc mủn

Ngay cả người hát ca trù cũng cần được tiếp cận nhiều hơn với tư liệu một cách có hệ thống để biết lề lối, chứ không thì hát lộn xộn lắm. Một số người hát chả đâu vào đâu cũng xưng danh nghệ nhân

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) vẫn nhớ những ngày làm nghiên cứu về âm luật ca trù cách đây vài năm. Khi đó, ông mượn được 10 cuốn băng ghi âm một số bài bản của loại hình âm nhạc này. Nhưng chúng đều đã mốc trắng. Ông phải chạy băng để những mảng mốc đó hết dần. Nhưng “băng bị mốc, chạy đi chạy lại không hết mốc thì phải tãi ra trên một miếng vải phin sau đó dùng bông tẩm cồn 70 độ để lau từng tí một. Mình mượn được 10 cuốn băng mốc trắng về chỉ có lau và chuyển thành số mà mất 2 tuần. Làm kỳ công lắm. May là có phần mềm âm thanh trên máy tính để nối lại, chứ không thì tịt”, ông Hiền nhớ lại.
Chính vì thế, khi nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ mất đi, công chúng buồn nhưng cũng an tâm khi những bài bản của kép đàn cự phách này đã được ông Bùi Trọng Hiền ghi lại. Ông còn nghiên cứu và hệ thống chúng thành những âm luật rõ ràng.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cũng đã kịp ghi lại tiếng đàn của đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ trong dự án DVD ca trù Thăng Long cách đây 5 năm tại Nhà xuất bản Âm nhạc. Ông Long cho biết, trong nhiều năm, có nhiều đơn vị đã ghi âm lời ca, tiếng nhạc, nhịp trống phách của nhiều nghệ nhân để làm tư liệu, như Viện Nghiên cứu âm nhạc, Đài tiếng nói VN, Nhà xuất bản Âm nhạc Dihavina. “Trong giai đoạn trước, đài thu nhiều nghệ nhân, họ có cả một kho tàng. Dihavina cũng vậy. Khi tôi về công tác ở đó, tôi thấy có một kho tư liệu rất hay. Thí dụ như tiếng hát nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ thu trên băng cối và băng cassette”, ông Long nói. Cũng theo ông Long, dù lượng tư liệu của Viện Âm nhạc khá lớn nhưng chỉ mang tính tham khảo do thu trực tiếp tại môi trường sinh hoạt của các nghệ nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc in đĩa ra để bán cho công chúng thưởng thức. Trong khi đó, bản thu của Nhà xuất bản Âm nhạc tại phòng thu có thể làm đĩa thuận lợi hơn.

Tẩy sạn, lập kho di sản quý

 
Cần một “tổng kho dữ liệu” ca trù

Ảnh: Quý Phạm

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ đã qua đời nhưng tư liệu về tiếng đàn của ông đã được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lưu giữ
 
Ông Long cho biết, kho tư liệu cũ của Nhà xuất bản Âm nhạc trên băng cối và đĩa than, băng cassette vẫn cần được số hóa. Vật liệu thiếu bền vững như băng, đĩa than sẽ khiến di sản âm thanh có thể bị mất. “Tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ đã được chuyển sang CD khoảng năm 2004 - 2005 và bán rộng rãi. Tuy chưa nhiều người mua nhưng đó là việc Nhà xuất bản Âm nhạc vẫn phải làm”, ông Long nói.
Ông Hiền cũng chú trọng tới việc chuyển tư liệu ghi từ rất lâu sang dạng số. “Nếu băng cassette không được số hóa, một thời gian nó sẽ ẩm, sẽ mốc. Nó còn nhạy cảm ở chỗ nếu khách khai thác, đưa băng vào một máy không tốt, có thể nghiến hỏng băng”, ông nói. Ông Hiền còn nhấn mạnh việc làm sạch âm thanh cho các tư liệu đó. “Hiện tại, các thiết bị thu cũng tốt hơn trước nhờ máy hiện đại có micro định hướng và tẩy nhiễu. Người nước ngoài cũng thu ngoài trời rồi làm CD bán. Còn những gì thu từ xưa thì có thể nghĩ đến chuyện làm sạch. Một băng tư liệu bị xì, tiếng không đẹp thì với phần mềm âm thanh hiện đại người ta có thể làm sạch được nó. Việc làm sạch tư liệu bây giờ chỉ có người làm được là anh Nhất Lý. Đó là một kỹ sư âm thanh giỏi và có thể nhặt sạn âm thanh”, ông Hiền cho biết.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền cũng nhắc tới việc nếu có thể thì nên xây dựng một tổng kho tư liệu về ca trù. Hiện tại, tư liệu ca trù nằm rải rác. Chẳng hạn, Viện Âm nhạc có một ít, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia có một ít, các tư liệu cá nhân của nhà nghiên cứu, người chơi đĩa. Các nghệ nhân cũng lưu cho mình những đĩa ca trù xưa. Hoặc có những người chơi như nhạc sĩ An Thuyên cũng có đĩa ca trù. “Nếu làm một kho tư liệu quốc gia, thì quan trọng là ai làm chủ, Viện Âm nhạc đứng ra gom chẳng hạn”, ông Hiền nói.
Việc này theo ông Long là vô cùng cần thiết. Nó giúp cho công chúng phổ thông, người hát ca trù được tiếp cận có hệ thống. Nó cũng sẽ thúc đẩy việc ca trù phát triển trở lại, để được đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đó là điều mà hát xoan đã làm được. “Ngay cả người hát ca trù cũng cần được tiếp cận nhiều hơn với tư liệu một cách có hệ thống để biết lề lối, chứ không thì hát lộn xộn lắm. Một số người hát chả đâu vào đâu cũng xưng danh nghệ nhân. Phải cho mọi người tiếp cận và có những nhóm bài bản như nhóm ca trù Thái Hà, hay nhóm của bà Phó Thị Kim Đức được nhân rộng”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.