Cần nghiên cứu về hội chứng trầm cảm do Covid-19

08/04/2021 07:15 GMT+7

Hội Tâm thần học Việt Nam rất muốn làm đề án sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch Covid-19, nhưng do không có kinh phí nên chỉ có thể làm khảo sát nhỏ tại Hà Nội nhằm đánh giá rối loạn trầm cảm, lo âu do Covid-19

Theo các chuyên gia, sau dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã mở các kênh thông tin hỗ trợ những người bị stress, trầm cảm, có ý định tự tử.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có kênh thông tin chính thống hỗ trợ những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
PGS-TS Phạm Mạnh Hà, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng việc giãn cách xã hội sau một thời gian dài do dịch Covid-19, cùng với sự suy giảm về kinh tế, thu nhập, mất việc làm… đã tác động rất lớn đối với các cá nhân, đặc biệt là các cá nhân yếu thế, người trẻ tuổi có nghề nghiệp bấp bênh, không có tích lũy về mặt tài chính…
Nhiều quốc gia ý thức được việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân sau Covid-19 nên đã thiết lập các kênh thông tin, kênh truyền thông riêng, kênh tương tác để những người đang có dấu hiệu của trầm cảm lo âu, những người đang có ý định tự tử tìm đến. “Đây là kênh thông tin dành cho các cá nhân đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thêm sự mạnh mẽ, vượt qua khó khăn thách thức của dịch bệnh, vượt qua khủng hoảng kinh tế. Có như vậy họ mới mạnh khỏe về mặt tinh thần. Việt Nam chưa có kênh nào hỗ trợ người trầm cảm sau Covid-19. Dù muộn nhưng tôi cho rằng đây là vấn đề rất đáng được lưu tâm”, ông Hà bày tỏ.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Khắc Dũng, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương (Hà Nội), cho hay hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy có mối liên quan trực tiếp giữa các vụ tự tử và tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, có thể nhận thấy cách ly do Covid-19 là một trong các yếu tố khởi phát dẫn đến các vấn đề về tâm thần, về căng thẳng trong xã hội, đặc biệt là căng thẳng về kinh tế, căng thẳng trong các mối quan hệ xã hội... BS Dũng bày tỏ: “Covid-19 không chỉ làm các vấn đề stress tăng lên, mà còn làm giảm chất lượng điều trị tâm lý, tâm thần khi phải cách ly. Đặc biệt đối với trẻ em, khi các em không được đến trường, không được tiếp xúc với bạn bè, thay vào đó là ở nhà tiếp xúc với các phương tiện học tập trực tuyến cũng làm tăng khoảng thời gian tới kết nối thông tin mạng ảo”. BS Dũng dẫn chứng, thời gian gần đây có nhiều trường hợp các bạn trẻ làm theo video trên mạng, thử thách trên mạng, các thông tin video có nội dung không tốt… Do nhận thức hạn chế, không có định hướng của người lớn, đã có trường hợp dẫn đến tử vong vì học hỏi từ các clip trên mạng.
Còn PGS-TS Trần Văn Cường, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Tâm thần học Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi đang quan tâm đến hội chứng trầm cảm do Covid-19, được dự đoán là gia tăng vì những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh kéo dài. Hội Tâm thần học Việt Nam rất muốn làm đề án sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch Covid-19, nhưng do không có kinh phí nên chúng tôi chỉ có thể làm khảo sát nhỏ tại Hà Nội nhằm đánh giá rối loạn trầm cảm, lo âu do Covid-19. Đây là vấn đề ở Việt Nam chưa được để ý, nếu càng chậm trễ thì càng mất đi tính thời sự và gia tăng những nguy cơ tiềm ẩn các yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần của cá nhân, cộng đồng và xã hội...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.