Cân nhắc Nghị quyết xử lý nợ xấu

Một trong những lo ngại các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận tổ chiều 26.5 về Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là sẽ hợp thức hóa cho các đối tượng vi phạm.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng, đã trình Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến bước đầu tại phiên họp tháng 4.2017 và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp này của QH.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Đặng Thuần Phong phản ánh, người dân tỏ rõ bức xúc vì cán bộ ngân hàng có nghiệp vụ, khi người dân đi vay thì ngân hàng nắm đằng cán, từ làm hợp đồng, đánh giá tài sản... nhưng khi xảy ra nợ xấu, tài sản bảo đảm không bán được thì ít thấy cán bộ bị xử lý. "Ít ra ngành ngân hàng cũng phải nói số cố tình làm sai tạo nợ xấu là bao nhiêu, đã xử lý trong nội bộ chưa?", ông Phong nói và bày tỏ phân vân vì lúc đầu Chính phủ trình nội dung xử lý nợ xấu nằm trong luật Các tổ chức tín dụng, nhưng nay không rõ lý do gì lại được tách ra thành nghị quyết riêng. "Để giải quyết điều 60 của bộ luật Lao động cũng có nghị quyết, giờ xử lý nợ xấu lại có nghị quyết. Nếu mai này Bộ Công thương cũng đề nghị có nghị quyết xử lý các đại dự án thua lỗ nữa thì liệu có thượng tôn pháp luật?", ông Phong đặt vấn đề.
Đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng cho rằng hiện chưa rõ cơ chế xử lý với các cá nhân, tổ chức để sai sót gây ra nợ xấu. "Nếu nghị quyết xử lý nợ xấu cho phép bán tài sản, tức là mất chứng cứ mà không gắn trách nhiệm với người trước gây ra nợ xấu, thì sau này khó xử lý", ông Hàm cảnh báo và bày tỏ đồng tình khi có ý kiến lo nghị quyết sẽ hợp thức hóa sai phạm cho đối tượng gây ra nợ xấu. "Cho nên xử lý trách nhiệm cần diễn ra song hành với xử lý nợ xấu", ông Hàm nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị loại bỏ trong dự thảo nghị quyết nguyên tắc, phương pháp xác định nợ xấu thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo ĐB Tâm, giải quyết nợ xấu là giải quyết tồn đọng của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhưng nguyên tắc theo Ngân hàng Nhà nước là không ổn. “Đề nghị nguyên tắc, phương pháp xác định nợ xấu này do Chính phủ trình QH, kèm theo phụ lục để đảm bảo công khai minh bạch. Nếu quy định như hiện tại có nghĩa là QH quyết nhưng không biết mình đang quyết nội dung gì. Điều đó hoàn toàn không chấp nhận được”, bà Tâm bày tỏ quan điểm.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), có nợ xấu “hợp pháp” do nguyên nhân khách quan và cũng có nợ xấu “bất hợp pháp” do tiêu cực hay tham nhũng của cán bộ ngân hàng. Do đó, việc xác định ngân hàng nào, khoản nợ nào thuộc diện áp dụng của nghị quyết này là hết sức cần thiết. “Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải trình ra QH các chi tiết này để đưa vào nghị quyết”, ĐB Nghĩa đề nghị.
Chia sẻ với các ĐB, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nợ xấu là điều bình thường trong hoạt động tín dụng, nhưng chỉ khi dưới 3% theo thông lệ quốc tế. Trong khi theo con số mới công bố thì nợ xấu của VN lên đến 10% là chuyện không bình thường. "Vì không bình thường mới cần đến nghị quyết. Nhưng nghị quyết ban ra không phải để hợp thức hóa các hoạt động trái pháp luật, gây ra nợ xấu. Chúng ta vẫn đề cập đến nguyên tắc xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân gây ra nợ xấu, vi phạm luật Các tổ chức tín dụng", Chủ tịch QH nói.
Theo bà Kim Ngân, nghị quyết không chỉ bảo đảm lợi ích cho các tổ chức tín dụng mà còn là lợi ích chính đáng của người gửi tiền. Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh, việc các cơ quan liên quan lúc đầu trình thời điểm tính nợ xấu xử lý theo nghị quyết từ 31.12.2016 trở về trước, sau đó lại kiến nghị lùi thêm 7 tháng, là "không nghiêm túc".
Quan ngại quyền thu giữ tài sản đảm bảo
ĐB Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, quan ngại về quyền thu giữ tài sản đảm bảo quy định tại nghị quyết. “Thực thi việc này phải có công quyền. Giờ 2.000 ông giám đốc các ngân hàng, chi nhánh, hội sở có quyền ký một cái là đi trưng dụng tài sản, thu giữ tài sản là không ổn”, ĐB Quốc nói. Theo ông, nghị quyết phải tôn trọng pháp luật hiện hành, có thể rút gọn các thủ tục nhưng phải tôn trọng và sử dụng các cơ quan công quyền hợp pháp trong việc trưng dụng tài sản. “Nếu để các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẻ ra một bộ máy thay cho công quyền đi trưng dụng các tài sản thì trật tự xã hội sẽ có vấn đề”, ĐB Quốc nêu quan điểm.
Lưu ý tính chất dài hạn của quy hoạch
Quy định thời kỳ quy hoạch trong dự thảo luật Quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu tính ổn định cho sự phát triển lâu dài của đất nước là quan điểm của nhiều ĐBQH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Quy hoạch sáng 26.5.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết do sự biến động tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả trong nước và quốc tế nên dự báo thường chỉ chính xác cho thời kỳ 10 năm, các dự báo cho thời kỳ dài hơn thường thiếu chính xác. Do vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị giữ quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm, các quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng có tầm nhìn từ 30 - 50 năm.
Theo ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên), qua kinh nghiệm của các nước, đề xuất thời kỳ quy hoạch là 10 - 20 năm, tầm nhìn quy hoạch là 30 - 50 năm. Luật Quy hoạch đô thị cũng đã quy định tầm nhìn đến 50 năm và thời hạn lập quy hoạch là từ 20 - 25 năm, riêng thị trấn là từ 10 - 15 năm. Do vậy, ĐB Quý đề nghị điều chỉnh lại quy định để cập nhật với xu thế chung của quốc tế.
Tương tự, ĐB Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), nhấn mạnh đến tính dài hạn của quy hoạch. ĐB Cường đồng tình kỳ quy hoạch phải 10 năm nhưng tầm nhìn và định hướng phải dài hạn hơn, tầm nhìn phải đạt đến 50 năm, định hướng phải đến 100 năm do đây là những quy hoạch lớn quốc gia và đặc biệt là những quy hoạch liên quan đến hệ thống hạ tầng.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng thời kỳ quy hoạch không thể xác định quá ngắn và không có một tầm nhìn dài hạn cho đất nước thì sẽ gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực, cũng như cơ hội cho phát triển. Bộ trưởng Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu và báo cáo với Ủy ban Thường vụ QH, tiếp thu ý kiến của các ĐB theo hướng quy định dài hơn, đồng thời điều chỉnh liền kề quy hoạch cấp dưới ít nhất khoảng 5 năm để có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Trường Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.