Như Thanh Niên đã đưa tin, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, do Bộ Công thương tổ chức sáng 3.2 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giá điện nếu đẩy lên quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Công thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đến nay, trong các báo cáo, đề xuất của Bộ Công thương và cả Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đều chưa nêu tỷ lệ sẽ tăng giá điện lên bao nhiêu, song nếu chiếu theo quy định thì EVN được quyết giá bán điện bình quân nếu tăng từ 3 - 5% so với giá hiện hành; tăng từ 5 - 10% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận; trên 10% phải rà soát, xin ý kiến Thủ tướng.
XEM NHANH 12H ngày 5:2: Nhìn lại vụ án Nguyễn Phương Hằng | Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc
Minh bạch giá thành điện
Nhắc đến việc giá điện không sớm thì muộn sẽ phải tăng do áp lực chi phí đầu vào sản xuất điện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bạn đọc (BĐ) Minh Nghĩa cho rằng EVN cần tối ưu hóa giá thành sản xuất điện để chứng minh mức chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra hợp lý, qua đó mới đủ thuyết phục để tăng giá điện. "Ngành điện lực cần làm rõ chênh lệch giữa chi phí sản xuất và giá bán điện trực tiếp để người tiêu dùng chấp nhận việc tăng giá điện là hành vi phù hợp với cung cầu thị trường. Vấn đề là ngành điện cứ báo lỗ, nhưng các số liệu chứng minh vì sao lỗ theo tôi vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng", BĐ này viết.
Nhiều BĐ cũng nhấn mạnh giá điện có tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, từ đó mong mỏi việc điều chỉnh giá cần được cân nhắc triệt để. BĐ Trần Tôn nêu ý kiến: "Cần cân nhắc tăng cường việc rà soát, kiểm tra hiệu quả kinh doanh ngành điện để tránh xảy ra ồn ào như vụ "xăng dầu". Điện rất cần thiết cho sản xuất, kinh doanh và còn ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân nhiều hơn cả xăng dầu".
Tuấn An
Tác động của điện tới kinh tế - xã hội còn hơn cả xăng dầu, ảnh hưởng đến từng hộ gia đình, bất kể giàu nghèo. Nếu buộc phải tăng giá, cần tính thêm chính sách hỗ trợ người nghèo bớt gánh nặng tiền điện.
Vũ Hương
BĐ Su Minh phân tích: "Thủ tướng cũng đã nói giá điện mà quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ không gánh nổi trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tôi tán thành yêu cầu của Thủ tướng về việc Bộ Công thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân".
BĐ Khuôn Việt lưu ý việc tăng giá điện "nếu không được chuẩn bị đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng thì tác động đến đời sống xã hội còn nặng ký hơn câu chuyện xăng dầu nhiều lần", và cho rằng: "EVN cần tính toán thêm về giá thành sản xuất 1 kW điện để chứng minh giá điện tăng là phù hợp với biến động khách quan của thị trường". Đồng quan điểm, BĐ Duog Thuy bày tỏ: "Minh bạch giá thành là cách thuyết phục tốt nhất khi đưa ra đề xuất tăng giá điện".
Nâng cao năng lực quản lý
Nhận xét về các "báo cáo lỗ" của ngành điện, BĐ Nguyên Vũ băn khoăn: "Điều hành, quản lý ngành hàng đặc thù như ngành điện mà báo lỗ thường xuyên thì phải nghiên cứu giải pháp tăng cường năng lực bộ máy quản lý". Đồng quan điểm, nhưng BĐ Tường Vân cũng nêu thêm góc nhìn: "Ngành điện lực cũng gánh áp lực cân đối giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ đảm bảo dân sinh từ lâu rồi, không thể không thừa nhận việc tăng giá điện cho phù hợp với diễn biến thị thường đã phải trì hoãn nhiều lần".
BĐ Trực Ngôn cho rằng tăng giảm giá điện không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn tác động sâu sắc đến từng hộ gia đình, vì vậy "cân nhắc tăng giá điện song song với minh bạch chi phí sản xuất tối thiểu, xây dựng chính sách hỗ trợ các đối tượng xã hội, tính toán tầng nấc, lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp với sức khỏe nền kinh tế… mới là quyết sách hợp lý của ngành điện".
Bình luận (0)