Cần nhiều 'tinh thần cấp bách' trong điều hành

08/07/2022 04:18 GMT+7

Không chỉ đề nghị khẩn trương xem xét, nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên họp bất thường sáng 6.7 đã khiến người dân, doanh nghiệp kỳ vọng với quan điểm: “Nếu bình thường ta sẽ xử lý theo tình thế bình thường, nếu cần cấp bách ta xử lý theo tình huống cấp bách. Tinh thần là như vậy”.

Điều này có nghĩa là, đề xuất giảm thuế TTĐB và GTGT với xăng dầu sẽ không phải chờ đến kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 theo đúng quy trình mà có thể giải quyết sớm hơn. Cũng như thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này, thay vì áp dụng vào 1.8 thì đã được đẩy lên thực hiện vào kỳ điều chỉnh ngày 11.7 tới.

Trên thực tế có không ít dự án, chương trình đã áp dụng “tình huống cấp bách” để đẩy nhanh tiến độ. Đơn cử như thực hiện chỉ định thầu các gói thầu trong chương trình phục hồi kinh tế và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Ở điều kiện bình thường, từng gói thầu phải thực hiện đấu thầu với rất nhiều thủ tục, tốn rất nhiều thời gian. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch, nếu vẫn làm đúng quy trình sẽ gây lãng phí nguồn lực mà lại không hiệu quả. Vì thế, phải áp dụng cơ chế chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, góp phần phục hồi kinh tế. Tương tự, một số cơ chế đặc thù, ngoại lệ cũng được áp dụng trong những hoàn cảnh đặc thù, ngoại lệ...

Nói lại để thấy, chúng ta không quá xa lạ với việc “xử lý theo tình huống cấp bách” trong hoàn cảnh cấp bách. Dù vậy, vẫn xảy ra rất nhiều tình huống cấp bách nhưng cách xử lý lại y như trong tình huống bình thường, đặc biệt là trong những giải pháp liên quan đến thuế. Đơn cử kiến nghị giãn, giảm, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương được đặt ra liên tục trong nhiều năm. Từ khi dịch bệnh bắt đầu cho đến khi đã được kiểm soát; từ khi lương bị cắt giảm cho đến khi bão giá càn quét trên khắp các mặt trận cuộc sống... vẫn không được xem xét. Hay đề xuất giảm thuế, phí với xăng dầu, mặt hàng thiết yếu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, dịch vụ trong nền kinh tế cũng được nâng lên, đặt xuống suốt mấy tháng qua. Trong khi những kiến nghị, phân tích về tác động của việc giảm và không giảm; giảm nhanh hay giảm chậm; giảm những loại thuế nào; ngân sách bù đắp bằng khoản nào để không hụt thu... liên tục được đưa ra và không thiếu khía cạnh nào. Thế nhưng ngược lại với sự sốt ruột của người dân - doanh nghiệp; ngược lại với tốc độ tăng như vũ bão của giá cả, chi phí đầu vào... cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính vẫn cứ chậm rãi, đủng đỉnh từ đề xuất, trình, thời gian áp dụng. Đến mức Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn sốt ruột, giục giã “Chính phủ điều hành cho nên dù Quốc hội có muốn giảm cũng phải trên tờ trình của Chính phủ” và đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế GTGT và thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, dầu, trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp.

Chúng ta nói rất nhiều đến điều hành linh hoạt, theo diễn biến thị trường nhưng rõ ràng, vẫn có sự lệch pha ở ngay những tình huống khẩn cấp nhất. Trong bối cảnh hiện nay, “tinh thần cấp bách” cần lan tỏa hơn trong điều hành trên nhiều lĩnh vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.