Cần phân định rõ công cụ, hung khí và vũ khí

04/06/2024 06:00 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn xung quanh đề xuất dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.

Ngày 3.6, thảo luận tại hội trường về dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn xung quanh đề xuất dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Các ý kiến đồng tình quy định này sẽ tăng tính răn đe, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, nhưng cho rằng cần quy định rõ ràng để không ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Đại biểu Quốc hội: 'Dao người dân đang sử dụng gọi là vũ khí sao được, nó chỉ là công cụ'

Nên xem xét kỹ về từ ngữ trong quy định

Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ trong việc giải thích từ ngữ. Theo ông, dao nếu được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang thì gọi là vũ khí, nhưng nếu sử dụng trong sinh hoạt gia đình thì chỉ là công cụ, trường hợp dùng dao để thực hiện hành vi phạm tội thì gọi là hung khí. Trong khi đó, dự thảo gom hết lại, quy định là vũ khí thô sơ. "Liệt kê như vậy gọi là vũ khí thô sơ liệu có phù hợp hay không? Tôi đề nghị nên xem xét lại cho kỹ, không khéo trong tổ chức thực hiện thì không đúng", ông Hòa nói.

Cần phân định rõ công cụ, hung khí và vũ khí- Ảnh 1.

Lực lượng công an thu giữ hung khí hai nhóm chuẩn bị để hỗn chiến ở Bình Dương gần đây

CACC

Tương tự, với quy định cấm vận chuyển vũ khí, bao gồm vũ khí thô sơ, ông Hòa cho rằng việc cấm này chỉ nên áp dụng đối với các đối tượng manh động, sử dụng dao, vũ khí thô sơ để hành hung người khác. Còn trong trường hợp vận chuyển cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, lao động sản xuất thì nên xem xét lại. "Các cơ sở sản xuất dao mà cấm thì khó vì họ đều đăng ký sản xuất kinh doanh. Không cho họ vận chuyển, sản xuất thì nên xem xét lại. Nếu không, luật ra ảnh hưởng cho người dân, người dân sinh hoạt khó khăn, khổ cho người ta", ông Hòa nhìn nhận.

Còn theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), quy định dao sát thương cao là vũ khí sẽ góp phần tăng tính răn đe đối với những người có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác. Tuy nhiên, đề xuất này cũng dẫn tới hạn chế nhất định.

Nếu quy định dao từ 20 cm trở lên là vũ khí thô sơ, các đối tượng phạm tội sẽ có xu hướng sử dụng vũ khí thô sơ theo quy định hiện hành nhiều hơn là sử dụng dao từ 20 cm trở lên, vì có lợi thế trong các vụ ẩu đả. Đồng thời, quy định này không hạn chế được các trường hợp sử dụng dao nhỏ, vật nhọn mất kiểm soát, mất lý trí khi giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống.

Để hạn chế được thương vong theo hướng phòng là chính, cũng giúp cho người sử dụng dao cho mục đích lao động sản xuất, học tập, sinh hoạt thể dục thể thao được thuận tiện, ĐB Cảnh đề nghị dao, vật sắc nhọn đang được sử dụng đúng nhu cầu thông thường hằng ngày thì không xem là vũ khí thô sơ. Chỉ khi nào người cầm dao, vật nhọn không vì mục đích lao động, học tập, sản xuất, sinh hoạt, thể dục thể thao…, thì lúc đó mới coi là vũ khí thô sơ.

Theo ông Cảnh, quy định như vậy có hiệu quả trong việc phòng ngừa ẩu đả vì ranh giới giữa vật dụng thông thường và vũ khí thô sơ được người dân quyết định. "Khi đó họ bỏ xuống thì không coi là vũ khí thô sơ", ông nói.

Tránh làm oan sai, gây phiền hà cho người dân

Bày tỏ sự ủng hộ cần có biện pháp mạnh để răn đe, trừng trị những đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao trong các vụ án hình sự, nhưng ĐB Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) băn khoăn khi dự thảo quy định dao có tính sát thương cao nếu thuộc danh mục của Bộ Công an thì là vũ khí thô sơ, nếu sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì chuyển thành vũ khí quân dụng.

Ông Ba cho rằng dự thảo không đi vào bản chất, tính năng của con dao để xác định đó là vũ khí, mà lại căn cứ vào mục đích sử dụng của đối tượng thực hiện hành vi. Điều này sẽ gây khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn, đòi hỏi phải có biện pháp thực sự khả thi, tránh làm oan sai những người liên quan đến chế tạo, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.

Ông còn đề cập tới quy định về việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh dao có tính sát thương cao phải khai báo với công an cấp xã (thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất). Theo ông, dự thảo chưa nêu rõ việc khai báo là trước hay sau khi sản xuất, có phải mọi trường hợp mua bán đều phải thực hiện khai báo hay không, rồi khi bán một con dao ở cửa hàng thì chủ tiệm phải khai báo ngay hay đợi đến kỳ mới khai báo…

"Mặc dù chúng ta có giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng tôi cho rằng luật cần phải quy định rõ hơn để tránh xâm phạm đến quyền của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh", ĐB Ba nêu.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa lo ngại quy định về việc khai báo vũ khí thô sơ với công an xã sẽ phiền hà cho người dân. Theo ông, đối với người sản xuất kinh doanh thì có thể khai báo, còn người dân chỉ sử dụng như công cụ thì không cần phải khai báo. "Khai báo như vậy rất phiền hà cho người dân", ông Hòa nói.

Đề xuất Bộ trưởng Công an được quyết định biện pháp cảnh vệ khi cần

Chiều 3.6, QH thảo luận tại hội trường về luật Cảnh vệ sửa đổi. Theo Bộ Công an, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của VN với bạn bè quốc tế. Do đó, dự thảo luật đề xuất tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng (trong phạm vi, thời gian nhất định). Thực tế, Bộ Công an đã triển khai việc này để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại VN và "chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền".

Góp ý cho dự luật, ĐB Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) đồng tình bổ sung các chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao vào đối tượng cảnh vệ, nhằm kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao. Nhất trí với quy định trên, ĐB Lê Thật Thành (đoàn TP.Hà Nội) dẫn thống kê từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu do thực tiễn đặt ra...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.