Cần phòng bệnh dù đã tiêm vắc xin

09/02/2022 04:08 GMT+7

Tùy theo cơ thể mỗi người, lượng kháng thể sinh ra do tiêm vắc xin sẽ khác nhau.

Theo Bộ Y tế, đến nay VN có 9 loại vắc xin Covid-19 được cấp phép lưu hành có điều kiện là: AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Sputnik-V, VeroCell, Moderna, Janssen, Hayat-Vax, Abdala, Covaxin. Tất cả các loại vắc xin này đều được rà soát, phê duyệt để sử dụng theo đúng quy định của cơ quan y tế và nhà sản xuất có tính an toàn cho người tiêm, gồm người cao tuổi.

Khi tiêm mũi thứ 3 Moderna, có thể giảm liều lượng vắc xin

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo Bộ Y tế, tùy theo cơ thể mỗi người, lượng kháng thể sinh ra do tiêm vắc xin sẽ khác nhau. Nếu lượng kháng thể sinh ra đủ nhiều thì cơ thể có thể chống lại được các tác nhân gây bệnh tấn công từ bên ngoài vào. Nếu lượng kháng thể sinh ra chưa đủ, chúng ta vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng mức độ sẽ giảm nhẹ hơn rất nhiều.

Bộ Y tế cũng lưu ý, với Covid-19, có nhiều báo cáo nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm, chúng ta vẫn có thể mắc bệnh và phát tán vi rút. Vậy nên, mỗi người vẫn phải đảm bảo các biện pháp chống dịch (đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân và khử khuẩn tốt môi trường sống, giữ khoảng cách an toàn, không tụ tập nơi đông người và khai báo y tế đầy đủ) vì sự an toàn của bản thân và mọi người.

Chú trọng uống đủ nước sau tiêm vắc xin

Qua thực tế vụ dịch cho thấy, người cao tuổi, người có bệnh nền là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do sức khỏe thể chất suy giảm. Riêng trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27.4.2021 đến nay), tỷ lệ người trên 50 tuổi mắc Covid-19 là 20,9% và 81,76% trường hợp tử vong tại độ tuổi này. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những người cao tuổi, người có bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường được điều trị ổn định sẽ vẫn được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

6 dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Ở miệng: Tê quanh môi và/hoặc lưỡi...

Ở da: Phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da...

Ở họng: Ngứa, căng cứng, tắc nghẽn, khản đặc...

Đường tiêu hóa: Nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng…

Đường hô hấp: Thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho...

Toàn thân: Mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần liên hệ ngay với cán bộ tiêm chủng hoặc cơ sở y tế gần nhất theo số điện thoại được cung cấp, hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng các loại thuốc điều trị định kỳ cho các bệnh nền không gây ảnh hưởng tới việc tiêm vắc xin nên không cần thiết phải dừng uống thuốc khi tiêm vắc xin Covid-19.

Tuy nhiên, để an toàn và hiệu quả, các trường hợp nêu trên nên hỏi bác sĩ đang điều trị trực tiếp và kê đơn thuốc để được tư vấn chính xác nhất.

Ngoài việc theo dõi sức khỏe, cần lưu ý bổ sung đủ nước sau tiêm. Do sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống. Có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam… để cung cấp thêm vitamin C, A.

Tiêm mũi 3 là vắc xin Pfizer, có tác dụng phụ gì?

Mũi 3 Moderna có thể giảm liều lượng

Theo các chuyên gia về tiêm chủng, hầu hết các loại vắc xin Covid-19 đều cần liều cơ bản (2 mũi tiêm) cách nhau vài tuần. Khi tiêm mũi đầu tiên, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đã được kích hoạt. Ta cần tiêm mũi thứ 2 để gia tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể trước SARS-CoV-2, vi rút gây bệnh Covid-19. Khoảng cách giữa các lần tiêm cần tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế và nhà sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất.

Riêng với vắc xin Moderna, khi tiêm mũi thứ 3 có thể giảm liều lượng vắc xin. Cụ thể, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) có thông tin mới nhất cho biết, theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin Moderna, đối với liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên, vắc xin này được sử dụng theo liệu trình gồm 2 liều 100 mcg (mỗi liều 0,5 ml), khuyến cáo tiêm liều thứ hai 28 ngày sau liều đầu tiên. Đối với liều thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, liều lượng theo hướng dẫn là 0,25 ml, chứa 50 mcg mNRA, bằng một nửa liều cơ bản.

Người cao tuổi, người có bệnh nền cần thường xuyên có người thân, người chăm sóc bên cạnh để theo dõi tình hình sức khỏe trong vòng 24 giờ và 7 ngày sau tiêm chủng.

Những dấu hiệu phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm là: sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin Covid-19.

Chế độ ăn uống vận động sau tiêm vắc xin Covid-19

Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá hay sử dụng bất kỳ chất kích thích nào sau khi tiêm. Rượu bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu bia và phản ứng của vắc xin. Cần uống đủ nước.

Không ăn nhiều chất béo bão hòa. Thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.

Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm. Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi. Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn.

Nghỉ ngơi hoặc tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ chậm.

Người có bệnh nền cần tiếp tục tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh mạn tính theo hướng dẫn của bác sĩ.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.