Cần quy chế cho phố đi bộ

15/05/2018 07:20 GMT+7

Sau tuyến phố đi bộ đã thử nghiệm và được tiếp tục làm ở hồ Gươm, tuyến phố đi bộ thử nghiệm thứ 2 ở phố Trịnh Công Sơn (Q.Tây Hồ) cũng vừa được TP.Hà Nội cho ra mắt. Liền sau đó, thành phố công bố 2 tuyến phố đi bộ khác sắp đi vào thử nghiệm.

“Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm quá hay. Không gian đó càng đẹp vào mùa thu và mùa đông, tôi rất thích đi dạo ở đó”, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng Mạnh nói. Ông Mạnh, người giữ danh hiệu KTS của năm 2 lần liên tiếp vào năm 2016 và 2017, ủng hộ việc có thêm nhiều phố đi bộ ở Hà Nội.
Hai tuyến phố đi bộ sắp đưa vào thử nghiệm nằm ở Q.Hoàn Kiếm, nơi đã thành công với tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm). “Quận dự kiến làm một tuyến phố đi bộ thử nghiệm ở ngõ Tạm Thương và Yên Thái rồi nối với chợ Hàng Da; hiện chúng tôi đang nghiên cứu và làm dự án chỉnh trang trước. Tuyến phố đi bộ nữa là ở phố bích họa Phùng Hưng. Phố Phùng Hưng sẽ làm trước, ngõ Tạm Thương và Yên Thái làm sau”, ông Nguyễn Tuấn Long, Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, nói.
Quy hoạch và quy chế cho phố đi bộ

Phố đi bộ nên gắn với điểm nhấn đô thị và những nội dung văn hóa tinh thần gần đó

KTS Hoàng Thúc Hào

Nhận thấy những lợi ích về mặt dân sinh và du lịch mà phố đi bộ mang lại, nhiều địa phương đã triển khai phố đi bộ. TP.HCM có phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện ở Q.1 thu hút đông đảo người dân và du khách. Hồi đầu năm nay, Đà Nẵng đã phê duyệt đề án khu phố du lịch An Thượng tại Q.Ngũ Hành Sơn, trong đó có các tuyến phố đi bộ. Vào tháng 9 năm ngoái, Huế đã khai trương khu phố đi bộ trên 3 trục đường chính Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long từng lên tiếng về việc buổi biểu diễn của nhóm Xẩm Hà Thành tại phố đi bộ ở hồ Gươm nhiều lần bị “nhiễu” vì tiếng đàn của một nghệ sĩ tự do chơi gần đó. Nhiều du khách cũng than phiền về việc các nhóm hát mạnh ai nấy hát gây ồn ào, những người vẽ chân dung hoạt động tràn lan, do đó ông Long cho rằng phải có quy chế, quy định cụ thể về hoạt động của các nhóm nghệ thuật trên phố đi bộ. “Q.Hoàn Kiếm đang chủ trì xây dựng quy chế của phố đi bộ hồ Gươm. Từ góc độ ngành văn hóa, chúng tôi cho rằng quy chế nên khuyến khích phát huy hoạt động văn hóa của người dân, tuy nhiên nên có những quy định cụ thể về âm thanh, ánh sáng, địa điểm biểu diễn để không ảnh hưởng tới đời sống của người dân trên địa bàn”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nói.
Mỗi phố đi bộ, theo ông Nguyễn Tuấn Long, lại cần duy trì những nét đặc sắc riêng để thu hút du khách. “Chẳng hạn ở Tạm Thương là nơi bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, vì ở đó có 2 đình thờ tổ nghề. Một đình là thờ ông tổ nghề thêu, đình kia thờ Nguyên phi Ỷ Lan là tổ nghề lụa. Ở hồ Gươm là không gian cảnh quan lịch sử văn hóa. Còn ở Phùng Hưng là phố nghệ thuật. Trong quy chế phố chung cho phố đi bộ cũng cần chú ý tạo điều kiện phát huy những nét đặc sắc riêng này của mỗi phố”, ông nói.
KTS Nguyễn Hoàng Mạnh cho rằng khó có thể chia đều số lượng phố đi bộ như nhau cho các địa phương, và các tuyến đi bộ tốt nhất nên tập trung ở các khu trung tâm để giảm thiểu lượng xe cơ giới và ô nhiễm tại đó. KTS châu Á 2016 Hoàng Thúc Hào thì cho rằng: “Phố đi bộ nên gắn với điểm nhấn đô thị và những nội dung văn hóa tinh thần gần đó. Vì thế, nếu cần sẽ tạo dựng phố đi bộ bằng cách quy hoạch dần dần, chẳng hạn thiếu cây thì trồng thêm”.
GS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội KTS VN, thậm chí còn cho rằng các thành phố nên cố gắng quy hoạch không gian đi bộ cho các cụm dân cư. Điều này làm tăng điều kiện giao tiếp cộng đồng, có chỗ cho người dân và du khách vui chơi giải trí, qua đó giúp phát triển du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.