Chiều 9.11, tiếp tục kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận dự án luật Phòng thủ dân sự. Theo dự thảo luật, phòng thủ dân sự bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Điều tiết tài chính từ quỹ khác thế nào?
Liên quan tới Quỹ phòng thủ dân sự, dự thảo luật quy định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, được thành lập ở T.Ư và cấp tỉnh để huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng thủ dân sự. Quỹ phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách liên quan hoạt động phòng thủ dân sự.
ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt, ĐB Dương Khắc Mai phát biểu tại Quốc hội |
GIA HÂN |
Dù dự thảo luật không quy định cụ thể các quỹ ngoài ngân sách có liên quan hoạt động phòng thủ dân sự là quỹ nào; song trong điều khoản thi hành của dự thảo đã sửa đổi các quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai (tại luật Phòng, chống thiên tai); Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch (tại luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm); và Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh (tại luật Bảo vệ môi trường) để tạo cơ sở điều tiết nguồn tài chính từ các quỹ này cho Quỹ phòng thủ dân sự. Dự thảo luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết về Quỹ phòng thủ dân sự.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu (ĐB) Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đặt vấn đề: “Việc điều tiết từ các quỹ khác sang Quỹ phòng thủ dân sự sẽ được thực hiện như thế nào, cho những lĩnh vực gì và ai là người có thẩm quyền điều tiết cần phải có quy định cụ thể. Cạnh đó, việc điều tiết cần đảm bảo công khai, minh bạch”. ĐB Lam đề nghị Chính phủ quy định chi tiết, rõ hơn về nội dung này.
ĐB Đoàn Lê An (đoàn Cao Bằng) cho rằng cần bổ sung nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết gồm nguồn thu, thời gian thu, mức độ đóng góp của từng đối tượng, điều kiện, đối tượng chi, khoản chi… để đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình quản lý, sử dụng quỹ. Trong khi đó, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị khi Quỹ phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ, cần phải xác định rõ, cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ. “Không thể chi hỗ trợ từ quỹ phòng, chống thiên tai cho các thảm họa, sự cố ngoài thiên tai”, ĐB Mai nói.
Một số ĐB đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự như ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) vì Quỹ phòng, chống thiên tai; Quỹ bảo vệ môi trường… đều đang thực hiện chức năng phòng thủ dân sự theo định nghĩa của luật. ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) thì đề nghị cần thống nhất nguồn Quỹ phòng thủ dân sự quy về một mối để tránh trùng lắp, lạm thu, gây khó khăn cho người tham gia.
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được cấp thêm băng tần
Trong chiều cùng ngày, với đa số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tần số vô tuyến điện. Một trong những sửa đổi đáng lưu ý trong luật sửa đổi lần này là cho phép doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được cấp thêm các băng tần (ngoài băng tần dành riêng cho hoạt động quốc phòng, an ninh) để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Dự thảo luật cũng quy định rõ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lấy ý kiến Bộ TT-TT, ý kiến Bộ Công an đối với đề án do Bộ Quốc phòng lập, ý kiến Bộ Quốc phòng đối với đề án do Bộ Công an lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trước khi Bộ TT-TT cấp phép. Đề án phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước; sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; xác định cụ thể nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giao cho doanh nghiệp…
Bình luận (0)