Cần quy định tội danh cản trở nhà báo tác nghiệp

18/02/2012 08:33 GMT+7

* Nên có quy định "người cung cấp thông tin" cho báo chí thay cho người phát ngôn khi cần

(TNO) Trong khuôn khổ dự án Nghiên cứu các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp, ngày 17.2, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED - thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN) - tổ chức hội thảo chủ đề "Tạo dựng môi trường tác nghiệp an toàn cho các nhà báo".

>> An toàn cho nhà báo

Đại diện các cơ quan báo chí, quản lý thông tin - truyền thông tại các tỉnh trong khu vực đều đồng tình với đánh giá của RED về 12 nhóm hành vi cản trở tác nghiệp của báo chí hiện nay; trong đó phổ biến là né tránh cung cấp thông tin, gây khó dễ, mua chuộc, đe dọa, trả thù…

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần xây dựng và thực hiện đầy đủ quy phạm pháp luật về quyền tác nghiệp của nhà báo; xử lý nghiêm các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về pháp luật và vai trò của giới truyền thông; bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng của người phát ngôn ở các cơ quan, tổ chức…

Theo khảo sát của RED, đa số các nhà báo được hỏi đều cho rằng cần có thêm tội danh "cản trở nhà báo tác nghiệp" trong Bộ luật Hình sự.

Ông Lê Đình Hoan - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk - đề nghị: “Cần thiết phải xây dựng một kênh thông tin (đường dây) nóng của cơ quan chức năng để tiếp nhận và xử lý những phản ảnh về hành vi cản trở tác nghiệp của nhà báo. Đồng thời, xây dựng hệ thống văn bản quy định quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với cơ quan báo chí và nhà báo trong việc cung cấp thông tin; có cơ chế đối thoại, phản hồi giữa các cơ quan, tổ chức với báo chí và công dân”.

Theo ông Hoan, các cơ quan quản lý cần có thêm quy định người cung cấp thông tin cho báo chí thay cho người phát ngôn khi đi vắng hoặc bận việc.

Theo ông Lưu Đình Phúc - Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương phải sử dụng hiệu quả công cụ hành chính là những văn bản pháp luật quy định xử lý các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp.

Ông Phúc yêu cầu Thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong việc xử lý hành vi vi phạm, bảo đảm cho nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật.

“Bản thân các nhà báo, cơ quan báo chí khi bị cản trở thì tùy từng tình huống, mức độ để sử dụng các công cụ can thiệp khác nhau, nhưng cũng cần biết đến cơ quan có thẩm quyền xử lý là Thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông”, ông Phúc nhấn mạnh.

V.Chiến - T.N.Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.