Cần quy trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương

Đan Thanh
(thực hiện)
11/08/2024 06:30 GMT+7

Để quản lý chặt chẽ tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (ảnh) cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh thanh kiểm tra, thậm chí cần quy trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương.

Cần quy trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

QUOCHOI.VN

Ông đánh giá như thế nào về việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn cả nước thời gian qua?

Suốt quá trình dài vừa qua, tiền công đức có được quản lý nhưng còn lơi lỏng. Trước đây, số tiền không lớn nên việc quản lý không có gì quá ghê gớm. Tuy nhiên, những năm gần đây, số tiền công đức lớn lên rất nhanh, khi không được quản lý chặt chẽ, một số cá nhân đã lợi dụng để xà xẻo, biến tiền này thành của riêng. Đó có thể là những cá nhân ở trong các di tích, có thể là những cá nhân có liên quan đến di tích, ví dụ như người tham gia trong ban quản lý di tích.

Theo kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên toàn quốc năm 2023, tổng số tiền thu được tương đối lớn, lên tới 4.100 tỉ đồng. Quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa ngày càng trở thành vấn đề lớn, nếu không cẩn trọng có thể gây ra những hệ lụy khó lường, vì tiền thường đi liền với nhiều thứ khác.

Cần quy trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương- Ảnh 2.

Ban quản lý các di tích cần quản lý từ tiền bạc đến cả sổ sách thu chi đầy đủ

Ảnh: L.N.H

Trước năm 2023 đã có những văn bản chỉ đạo về cơ chế quản lý tài chính đối với tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, song từ năm 2023 mới có quy định cụ thể. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn cần có cơ chế để quản lý rõ ràng, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn, tránh tình trạng một số cá nhân lợi dụng biển thủ tiền công đức, tài trợ để thành tiền riêng, có những hình thức sử dụng không phù hợp.

Theo ông, đâu là giải pháp hiệu quả nhằm tăng tính chặt chẽ, minh bạch trong quản lý tiền công đức, tài trợ ở các di tích lịch sử - văn hóa, tránh tình trạng rủi ro, thất thoát?

Quản lý cốt là để công khai, minh bạch thu chi và phục vụ cho việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích phát triển giá trị của di tích cũng như tôn chỉ của các lễ hội.

Theo tôi, trước hết cần nghiêm túc thành lập các ban quản lý tại các di tích lịch sử - văn hóa, từ đó để họ có trách nhiệm ghi chép những khoản đóng góp chính thức, công khai, kiểm đếm tiền.

Thực tế, tại hầu hết di tích lịch sử - văn hóa lớn đều đã thành lập ban quản lý, song trong hoạt động quản lý tiền công đức, tài trợ, xem xét ghi sổ công đức, vấn đề quan trọng là ghi chép sổ sách không đầy đủ, hầu hết chỉ ghi tay, có phần tạm bợ, xong năm nào biết năm đó.

Ngoài ra, tôi cho rằng dù đã ban hành quy chế về sử dụng tiền công đức, tài trợ ở các di tích lịch sử - văn hóa nhưng cần cụ thể, chi tiết hơn nữa. Phải có phần để tiến hành duy tu, bảo dưỡng các di tích mang tính thường xuyên, đây là dạng sửa chữa thông thường. Nếu là duy tu, bảo dưỡng lớn, cần yêu cầu có kế hoạch dài hơi hơn, xây dựng dự án đàng hoàng.

Bên cạnh đó, cần quy định việc sử dụng tiền công đức cho tổ chức các lễ hội tín ngưỡng cũng như các yêu cầu khác trong phạm vi khuôn khổ thế nào cho phù hợp. Điều này rất khó vì mỗi đình, chùa có độ lớn khác nhau, quy mô khác nhau thì chi phí phải khác nhau. Tuy nhiên, phải có quy định cụ thể, rõ ràng để tiền được sử dụng công khai, minh bạch, có hóa đơn chứng từ.

Không ít ý kiến cho rằng, quy định rõ trách nhiệm của địa phương, đặc biệt vai trò người đứng đầu, là một trong những giải pháp quan trọng, hữu hiệu góp phần quản lý tốt tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa thời gian tới. Quan điểm của ông ra sao?

Trong quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, từ trước tới nay các địa phương vẫn có trách nhiệm, nhưng địa phương chưa có các yêu cầu quản lý chặt chẽ.

Thông thường, các địa phương có cử người tham gia vào các ban quản lý các di tích, nhưng họ chỉ cử thế thôi; còn trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu, như thế nào, trách nhiệm của tỉnh, của huyện ra sao thì không rõ ràng.

Các địa phương phải thể hiện có trách nhiệm thực sự chứ không chỉ cử một vài cán bộ vào ban quản lý là xong. Nếu để thất thoát, lãng phí, người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, địa phương phải đẩy mạnh tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra để xem thực tế tình hình thu chi, quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích ra sao, nếu phát hiện có vấn đề bất cập thì kịp thời đưa ra biện pháp xử lý…

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.