Thực tế cho thấy việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng đang là nhu cầu bức bách, mang tính sống còn với các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay trong "cuộc đua" với mạng xã hội. Tuy nhiên, hầu như các cơ quan báo chí lại chưa có đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số như mong muốn. Do đó rất cần quyết sách của Đảng, Nhà nước để vực dậy hệ thống báo chí chính thống, không phải chỉ thông qua việc hỗ trợ tài chính mà cần những cơ chế về mô hình quản lý, chính sách đầu tư và khuyến khích liên kết kinh tế... Đơn cử, báo chí lâu nay được xếp vào loại hình sự nghiệp công lập cùng với bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa... Nhưng rõ ràng cơ quan báo chí đang hoạt động theo cách thức rất khác, cần được tính đến, từ chuyện đơn giản như hệ thống chức danh đến cơ chế quản lý. Được như vậy, các cơ quan báo chí mới vượt qua được giai đoạn khó khăn về kinh tế hiện nay, từng bước lấy lại "thị phần" thông tin trước mạng xã hội.
Kế đến là vấn đề nhân lực của ngành báo chí. Đây là điều kiện hàng đầu để chuyển đổi số nhưng đang là nút thắt khó tháo gỡ nếu kinh tế báo chí tiếp tục sa sút và không có nguồn lực bên ngoài tăng cường. Khi nào sự xuất hiện đông đủ của lập trình viên, chuyên gia dữ liệu, đạo diễn chương trình... tại các tòa soạn như một việc đương nhiên và bình thường, khi đó các cơ quan báo chí mới có thể xây dựng được kế hoạch phát triển những nền tảng phân phối và cung ứng dịch vụ truyền thông số, những công cụ thu thập và phân tích thói quen người sử dụng internet... Và đó là bước đầu tiên hướng tới việc chủ động định hướng luồng thông tin trong dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hoạt động kinh tế báo chí khởi sắc trở lại thì khi đó việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng sẽ được chủ động thực hiện với các bước đi và hình thức phù hợp đối với từng cơ quan báo chí. Điều này cũng tương thích với nhiệm vụ xây dựng mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số.
Nhà nước cũng cần có sự đầu tư phù hợp về mặt trang thiết bị, công nghệ; những quy định, chế tài cụ thể được đưa vào luật Báo chí (sửa đổi) để giúp các cơ quan báo chí lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với truyền thông xã hội cũng như các nền tảng số xuyên biên giới. Bên cạnh đó, ở góc độ hội xã hội - nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam cần chủ động hỗ trợ và liên kết các báo để tạo sự thống nhất khi triển khai thu phí đọc báo.
Trong buổi làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13.6, sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo một số cơ quan báo chí và đề xuất của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng "quan tâm đến báo chí nước nhà cần quan tâm đến yếu tố chính trị, cả về con người lẫn kinh tế báo chí", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ TT-TT trong năm 2023 chủ trì, phối hợp các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí; triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng số cho các cơ quan báo chí; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ… phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.
Báo chí Việt Nam đang đối mặt với những thách thức chưa từng thấy, tuy nhiên sự thấu hiểu và chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đem lại những hy vọng mới, củng cố thêm niềm tin trong sự nghiệp "vì nhân dân phục vụ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân".
Bình luận (0)