Cần sa mua bán như rau: Cần xử lý nghiêm

05/04/2016 20:02 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Cần sa mua bán như rau trên Thanh Niên số ra ngày 4.4.

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Cần sa mua bán như rau trên Thanh Niên số ra ngày 4.4.

Sao cái gì cũng có !
Sao ở VN cái gì cũng mua bán công khai, từ hóa chất độc hại gây chết người nay đến cần sa? Ai cũng biết cần sa rất nguy hiểm, dễ gây nghiện, từ cần sa đến chích ma túy là con đường rất gần. Vậy mà nhiều người rao bán, trồng cây cần sa một cách tự nhiên. Công an phải sớm phát hiện, bắt và xử lý những cá nhân trồng, mua bán cần sa như thế này.
Đào Nhật Long (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM)
Lập cả tài khoản Facebook
Tôi thấy có người còn lập cả tài khoản Facebook cá nhân để bán cần sa. Sao có kẻ nhởn nhơ buôn bán hàng cấm như vậy tại VN trong khi luật pháp đã quy định rõ ràng đó là hành vi trái pháp luật? Nó có tác dụng rất xấu đối với giới trẻ - những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Họ sẽ nhầm tưởng cần sa như là hàng hóa bình thường có thể mua bán qua Facebook như áo quần, giày dép... Từ đó rất có thể họ mua, dùng thử và kéo theo đó là bao tác hại.
Nguyễn Huỳnh Long ([email protected])
Tuyên truyền sâu rộng
Có nhiều người trồng cần sa vì thiếu hiểu biết nhưng cũng có người cố tình vi phạm dù biết trồng cần sa là trái pháp luật. Vì vậy, nhà nước, chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cũng như hướng dẫn họ về tác hại của việc trồng, vận chuyển, mua bán cần sa. Từ đó người dân mới nâng cao ý thức xã hội, ý thức pháp luật để không trồng, mua bán, vận chuyển trái phép cần sa nữa. Bên cạnh đó, hình ảnh về cây, lá, hạt cần sa cần được in ấn và lưu truyền sâu rộng để người dân nhận diện và có thể tố cáo khi phát hiện ai đó đang trồng hay vận chuyển chúng.
Ngô Trường Thành (Phú Giáo, Bình Dương)
Quá ác với trẻ em
Q. mà báo nêu chắc là ông trùm của đường dây mua bán, vận chuyển cần sa. Sự tàn ác của Q. không dừng ở chỗ mang cái chết đến cho người khác mà còn sử dụng cả trẻ em để giao cần sa. Tôi thấy thương, xót cho những trẻ em trong đường dây này. Tương lai của các em e rằng cũng ngập ngụa trong cái chết trắng. Gia đình, cha mẹ các em sẽ rất đau khổ. Đó là hậu quả vô cùng nặng nề.
Trần Minh Thuận (Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy sẽ bị phạt từ 2 năm đến tử hình tùy theo số lượng, tính chất nghiêm trọng của vụ án, theo quy định tại điều 194 bộ luật Hình sự. Tội phạm ma túy luôn để lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Vì vậy, những hành vi mà báo nêu cần sớm được xử lý.
Luật sư Lê Vi (Đoàn luật sư TP.HCM)
Theo quy định tại điều 192 bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24.12.2007, khi phát hiện người dân trồng cần sa, cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc tuyên truyền, vận động người dân không được trồng cây cần sa. Cần tạo điều kiện ổn định cuộc sống như hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực... để thay thế cây cần sa nói riêng, các loại cây có chứa chất ma túy nói chung. Sau khi thực hiện 2 biện pháp trên mà người dân vẫn tiếp tục trồng cần sa thì tiến hành xử lý vi phạm hành chính. Đã áp dụng cả 3 biện pháp trên mà người dân vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý hình sự.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Đoàn luật sư TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.