Có một dẫn chứng của chuyên gia điện lực rằng, nếu một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Nếu sang tháng 5, gia đình này tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh, số tiền điện cần thanh toán sẽ lên 875.204 đồng, tức là tiền điện tăng 27,18%. Hoặc nếu tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng, tương đương mức tăng 68,69% so với tháng 5. Tuy nhiên, điều này khó giải thích khi chính người dân khẳng định nhu cầu sử dụng trong gia đình hoàn toàn không tăng đến mức 20 - 50% nên việc tăng tiền điện gấp đôi, gấp ba trong bối cảnh mùa dịch này là điều khó chấp nhận.
Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, ngày 20.3.2019, khi giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% theo quyết định của Bộ Công thương, sau loạt phản ứng của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thanh kiểm tra cách tính giá điện và phải có báo cáo trong tháng 6.2019.
Ngày 24.5 quyết định kiểm tra được Thanh tra Chính phủ công bố theo yêu cầu của Thủ tướng, thời hạn kiểm tra là 45 ngày. Đoàn kiểm tra bao gồm các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)... Tuy nhiên, mãi đến đầu tháng 9.2019, chính Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị kéo dài thời hạn công bố thanh tra giá điện sang quý 3 và được chấp thuận.
Tuy nhiên, đến nay, sau 1 năm lẽ ra đã phải có kết luận thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng, kết quả thanh tra giá điện, cách tính tiền điện vẫn chưa được công bố.
PGS-TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng việc chậm công bố kết quả thanh tra giá điện là điều cũng “không nên chút nào”.
Ông nói: “Người dân cần sự công bằng, minh bạch và hợp lý trong vấn đề tiền điện. Khi có quá nhiều phản ánh hóa đơn tiền điện tăng bất thường, nguyên tắc phải thanh tra ngay mà làm thật khách quan với nhiều bên tham gia dưới dự giám sát của cơ quan quản lý là Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ...
Trong khi kết luận thanh tra theo lệnh Thủ tướng chưa có, chậm công bố, người dân lại dồn dập phản ánh hóa đơn tiền điện tăng quá, cách làm của chúng ta lại khiến dân thấy điều gì đó không minh bạch, hay nói cách khác là thiếu sự cởi mở, công bằng.
Theo tôi, cần có đơn vị độc lập riêng để kiểm tra việc lắp, kiểm định đồng hồ điện. Vì hiện tại, chính cơ quan điện lực cung cấp và gắn cho người dân. Thứ hai, Thanh tra Chính phủ sớm công khai kết luận thanh tra giá điện để người dân, dư luận có thể thấy bức tranh đầy đủ về giá điện thời gian vừa qua. Đây là vấn đề mà dư luận thực sự rất quan tâm”.
Ông Nguyễn Minh Đức (VCCI), người từng tham gia nhiều năm trong tổ liên ngành về rà soát chi phí sản xuất điện của EVN, bổ sung việc chậm công bố kết luận thanh tra giá điện có thể do Thanh tra Chính phủ phải giải quyết một khối lượng lớn số liệu, hóa đơn đồ sộ và phức tạp nên có thể kết quả cũng cần rà soát, tính toán chặt chẽ. “Dù vậy, theo thông tin tôi nắm được thì kết quả sơ bộ của thanh tra giá điện đã được báo cáo lên Thủ tướng, nhưng vì sao chưa công bố thì chưa rõ”, ông Đức nói.
Bình luận (0)