Đó là phát biểu của ông Trung trong khuôn khổ hội nghị về phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Hà Nội).
Luật hóa khái niệm về tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo
VA (Virtual Asset - tài sản ảo) và VASP (Virtual Asset Service Provider - Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo) là hai thuật ngữ được định nghĩa trong các khuyến nghị của FATF (Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính) về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (AML/CFT/CBF) đã được các quốc gia trong liên minh trên thế giới chấp nhận. Chính phủ Việt Nam cũng đã ký kết tuân thủ các tiêu chuẩn này vào tháng 6.2023; thông qua APG là tổ chức quốc tế chống rửa tiền khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo các tiêu chuẩn của FATF.
"Các cá nhân hoạt động trong thị trường tiền mã hóa đã rất quen thuộc với 2 thuật ngữ này trên quốc tế. Nhưng thực tế Việt Nam chưa có quy định nào nói về thuật ngữ này cụ thể. Vì vậy, các cơ quan quản lý sẽ rất khó khăn cho việc phối hợp triển khai thúc đẩy quản lý các thực thể này tại Việt Nam. Để làm được điều này, cần sớm có quy định chính thức triển khai từ các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hay thậm chí Bộ Tư pháp là những đơn vị thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia vào các tổ chức APG/FATF", ông Trung chia sẻ trong hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa" vừa được tổ chức ở trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ trước hơn 500 đại biểu về dự hội nghị ở trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
VA và VASP được coi là 2 định nghĩa cơ bản về tài sản số do FATF đưa ra và được các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước về tài sản số trên thế giới sử dụng để tiếp cận loại hình tài sản mới này và ban hành các quy định quản lý phù hợp với tình hình của từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
Vào tháng 6 năm nay, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký cam kết cấp Chính phủ với FATF về việc thực hiện Kế hoạch hành động do FATF đưa ra cho Việt Nam trong khoảng thời gian nhất định (hoàn thành trước tháng 5.2025) nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế AML/CFT.
Việc ký cam kết cấp Chính phủ với FATF cũng cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền, bao gồm cả giao dịch qua tiền mã hóa. Mà để làm được điều đó thì việc luật hóa các định nghĩa cơ bản để ban hành các quy định pháp lý là điều cấp bách.
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh: "Việt Nam là thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) nên Việt Nam cũng có nghĩa vụ phải thực hiện các khuyến nghị mà FATF đưa ra, trong đó bao gồm khuyến nghị số 15 về các biện pháp phòng ngừa rửa tiền sử dụng công nghệ mới".
Sự tham gia của các tổ chức tín dụng trong công tác phòng, chống rửa tiền
Để thực thi hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tài sản ảo, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh các tổ chức tín dụng, ngân hàng, công ty tài chính cần chủ động tham gia chứ không chỉ chờ đợi quy định từ cơ quan nhà nước.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam đưa ra 3 khuyến nghị đối với các định chế tài chính cần, bao gồm: Nhận diện giao dịch tài sản ảo, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nguồn nhân lực.
Đầu tiên, về nhận diện giao dịch tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam công nhận: Trong khi chưa có các văn bản pháp lý cụ thể ở Việt Nam thì tài sản này vẫn hoàn toàn có cơ sở được pháp luật công nhận theo các quy tắc quốc tế của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Hiệp ước Basel và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.
Hai là, các định chế tài chính nên xây dựng các Quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hóa đối với các tài khoản cá nhân theo các quy định trong Luật Phòng và chống rửa tiền áp dụng từ 1.3.2023.
Ba là, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật. Nguồn nhân lực này không thể chỉ trông chờ vào luật hay cơ quan nhà nước mà cần được chủ động thực thi bởi tầm nhìn chiến lược của các lãnh đạo ngân hàng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết NHNN đã giao nhiệm vụ nghiên cứu về tiền số, yêu cầu sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm các quản lý, ngân hàng thương mại, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực tài chính, các tổ chức tín dụng cần báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan quản lý nhà nước để xử lý theo quy định.
Theo ông Hùng, VNBA, VBA và Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy các hoạt động phù hợp nhằm giúp các cán bộ trong lĩnh vực tài chính và tổ chức tín dụng, cũng như các cơ quan quản lý và cá nhân, doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về tiền mã hóa và có các giải pháp để ngăn chặn và hạn chế các hoạt động rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa.
Về phía Chính phủ, ông Ngô Đức Thắng, Cục trưởng Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết trong những năm gần đây, hầu hết các nước trên thế giới đều có các nghiên cứu về tiền mã hóa, đặc biệt là đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương (CDBC) và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Việc này, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho NHNN chủ trì và ban Cơ yếu chính phủ, với tư cách là cơ quan mật mã quốc gia sẽ chịu trách nhiệm cung cấp các giải pháp về mật mã và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện
Ông Ngô Đức Thắng, Cục trưởng Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ về một số hoạt động liên quan đến tiền mã hóa
Tham gia Hội nghị lần này còn có TS Phan Văn Ngọc, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính - Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội. Ông Ngọc chia sẻ, năm 2021, Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH đã tổ chức hội thảo quốc tế về kinh nghiệm của một số nước trong xây dựng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát dành cho các công nghệ mới. Viện Nghiên cứu lập pháp cũng đã tổ chức nghiên cứu 2 đề tài cấp bộ về tài sản ảo và về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
"Khoa học công nghệ luôn đi nhanh hơn việc tạo dựng hành lang pháp lý, nên rất cần có những hội thảo khoa học để thúc đẩy hoạt động ban hành chính sách, để các công nghệ này có thể góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trong thời gian tới", TS Phan Văn Ngọc nhấn mạnh.
Hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa" được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham dự của đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện một số ủy ban khác của Quốc hội; Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ủy ban Giám sát Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, các tổ chức tín dụng, công ty công nghệ trong và ngoài nước, cùng hơn 500 cán bộ ngân hàng tham dự trực tiếp và qua các điểm cầu truyền hình trực tuyến tại NHNN Việt Nam các tỉnh, thành phố.
Bình luận (0)