Cần sớm tôn tạo một địa điểm lịch sử bị xuống cấp

12/07/2024 07:39 GMT+7

Việc sớm đầu tư nâng cấp Nghĩa trủng Gò Đồ không chỉ tưởng nhớ nghĩa sĩ mà còn đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Nghĩa trủng Gò Đồ (P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) rộng khoảng 2.100 m2, hiện nằm trong khuôn viên Tiểu đoàn 97 Bộ Tham mưu Quân khu 5. Đây là nơi chôn cất khoảng 2.000 ngôi mộ các nghĩa sĩ và liệt sĩ thời kỳ chống Pháp được dân làng Nghi An chôn cất tạm thời.

Hiện nay, ngoài công trình miếu thờ vừa được UBND P.Hòa Phát tôn tạo, nhiều khu vực khác xuống cấp, kể cả tấm bia cổ, mộ tiền hiền và dinh thờ được định vị bởi gốc đa hàng trăm năm tuổi, xung quanh bị cây dại, bụi rậm che khuất con đường đất dẫn lối vào.

Năm 2015, Quân khu 5 cải tạo trường bắn, quá trình thi công phát hiện nhiều phần mộ xung quanh khu vực nghĩa trủng.

Cần sớm tôn tạo một địa điểm lịch sử bị xuống cấp- Ảnh 1.

Khu vực miếu thờ tại Nghĩa trủng Gò Đồ

NGUYỄN TÚ

Người dân Q.Cẩm Lệ, đặc biệt là người dân P.Hòa Phát, kiến nghị cần sớm tôn tạo nghĩa trủng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ như một số nghĩa trủng khác trên địa bàn TP.Đà Nẵng, như Nghĩa trủng Phước Ninh (Q.Hải Châu), Nghĩa trủng Hòa Vang (P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ).

Ông Nguyễn Tiến Ca, Phó chủ tịch Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An (Q.Cẩm Lệ), cho biết khoảng đầu thế kỷ 20 khi người Pháp xây dựng sân bay, người dân di dời các phần mộ từ Nghĩa trủng Hòa Vang (xứ Trũng Bò, làng Nghi An, nay là sân bay Đà Nẵng) về nhiều nơi. Lúc này, hàng ngàn ngôi mộ nghĩa sĩ cũng như người yêu nước Quảng Nam - Đà Nẵng hy sinh trong thời kỳ đầu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860) tập kết về Nghĩa trủng Hòa Vang và Nghĩa trủng Gò Đồ.

"Đây còn là nơi an nghỉ của nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 96, Trung đoàn 93 và Tiểu đoàn 100 trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1969, kho bom đạn của Mỹ bị nổ, nhiều nhà cửa của dân làng Nghi An, đình làng Nghi An, Nghĩa trủng Gò Đồ bị đổ sập hoàn toàn. Năm 2015, người dân làng Nghi An trùng tu một phần Nghĩa trủng Gò Đồ. Người dân rất mong khu vực được nâng cấp khang trang, tương xứng với bề dày lịch sử và để thờ phụng, cúng bái", ông Ca cho biết thêm.

Cần sớm tôn tạo một địa điểm lịch sử bị xuống cấp- Ảnh 2.

Miếu thờ vừa được UBND P.Hòa Phát tôn tạo

NGUYỄN TÚ

Theo Chủ tịch UBND P.Hòa Phát Phùng Thanh Hoàng, đầu năm 2024, phường phối hợp Tiểu đoàn 97 Bộ Tham mưu Quân khu 5, Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An xác định mốc giới, phát quang bụi rậm, bước đầu xác định được khoảng 740 phần mộ các nghĩa sĩ từ thời danh tướng Lê Đình Lý và Nguyễn Tri Phương tại nghĩa trủng, có mộ phần 18 chiến sĩ Trung đoàn 96 hy sinh tại cầu Bà Điếc, làng Nghi An.

Tháng 5.2024, phường tiếp tục làm việc với Phòng Quản lý di sản văn hóa Bảo tàng Đà Nẵng, xác định Nghĩa trủng Gò Đồ đủ điều kiện để được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố.

"Trước mắt, phường cùng các đơn vị thường xuyên phát quang cây cối, dọn vệ sinh môi trường tại Nghĩa trủng Gò Đồ, tổ chức các hoạt động văn hóa, tâm linh đặc sắc trong lễ cúng, tế vong linh nghĩa sĩ vào dịp lễ, tết; đồng thời đề xuất quận sớm xây hàng rào theo mốc giới, tôn tạo một số hạng mục để địa phương gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử của Nghĩa trủng Gò Đồ", ông Hoàng nói.

Theo Phó chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ Ngô Ngọc Hậu, hiện quận đang hoàn thiện hồ sơ, trình thành phố đánh giá toàn diện về ý nghĩa lịch sử, công nhận Nghĩa trủng Gò Đồ là di tích lịch sử cấp thành phố để giữ gìn các giá trị truyền thống, trong tương lai hoàn toàn có thể xây dựng một sản phẩm văn hóa lịch sử, tâm linh tại đây.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, khẳng định toàn thể hệ thống chính trị và người dân Q.Cẩm Lệ luôn đặc biệt tri ân, trân trọng và trách nhiệm đối với các giá trị lịch sử, văn hóa; quận đang khẩn trương thu thập thông tin, nhân chứng lịch sử để hoàn thiện các hồ sơ liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.