Nhiều chủ trương thay đổi dồn dập gần đây ở trường phổ thông phần nào đã tạo áp lực cũng như những quan điểm lệch lạc không nhỏ đối với giáo viên do chưa kịp thích ứng, trong khi các trường sư phạm chưa có những thay đổi kịp thời.
Các trường ĐH sư phạm cần sớm tham gia vào quá trình đổi mới ở trường phổ thông - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Những thay đổi hiệu quả
Việc nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với học sinh (HS) trung học đã được một số nhà giáo dục đề xuất khá sớm, từ những năm 1980. Giáo sư - viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn là người đầu tiên đưa NCKH vào bậc phổ thông. Tuy nhiên, ý tưởng triển khai cho HS phổ thông NCKH chưa được ủng hộ ở VN vào thời đó do quan niệm người làm NCKH phải có trình độ nhất định. Trong khi nhiều nước trên thế giới, nhất là Mỹ, đã tổ chức cuộc thi NCKH kỹ thuật đối với HS trung học từ năm 1950. Cuộc thi sau đó được Intel chính thức tài trợ và gọi là Intel ISEF (Intel International Science and Engineering Fair).
Năm 2006, Bộ GD-ĐT, Intel VN và Vifotec (Quỹ hỗ trợ sáng tạo VN) đã có những bước chuẩn bị đầu tiên để triển khai hội thi Intel ISEF tại VN và đăng ký thành viên với Intel ISEF. Năm 2012 và 2013, HS được vinh danh tại một hội thi quốc tế lớn nhất và lâu đời nhất đối với HS trung học - Intel ISEF.
Năm 2012, Bộ đã ban hành Quy chế thi NCKH kỹ thuật cấp quốc gia đối với HS trung học.
Như vậy, từ chỗ nhiều người chưa tin khả năng NCKH kỹ thuật của HS, đến nay ngành giáo dục đã tổ chức kỳ thi quốc gia về vấn đề này đối với HS trung học, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, tạo ra cách thức học tập mới, không chỉ khơi gợi cho HS tò mò khoa học mà tạo ra một môi trường để các em sáng tạo thực sự.
Phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột" dựa trên cơ sở của sự tìm tòi - nghiên cứu, áp dụng cho việc dạy học các môn khoa học tự nhiên. Phương pháp này được khởi xướng tại Pháp bởi Giáo sư Georges Chapak từ năm 1995.
Khi dạy học theo phương pháp này, giáo viên phải sử dụng tích hợp nhiều phương pháp, như dạy học nêu vấn đề, gắn với tình huống, thông qua thảo luận, dạy học theo nhóm...
Từ năm học 2014 - 2015, có những chuyển động lớn trong đổi mới tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá HS; thay đổi quan điểm về sách giáo khoa (không xem là pháp lệnh như trước đây nữa).
Bộ đã xây dựng hệ thống "Trường học kết nối" trên mạng internet nhằm tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong trường học; tạo môi trường chia sẻ, thảo luận, hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường phổ thông, trung tâm GDTX trên phạm vi toàn quốc; tổ chức hoạt động học tập cũng như hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS trên mạng.
Trường sư phạm chưa nhập cuộc !
Tuy nhiên, sự đổi mới quá "dồn dập" cũng mang lại một số bất cập, mà trở ngại chính là khả năng đáp ứng của đội ngũ giáo viên còn hạn chế.
Việc NCKH đã triển khai rộng khắp cho HS, trong khi nhiều giáo viên hiện nay vẫn chưa biết hoặc lúng túng do giáo viên đó chưa tham gia. Một nghiên cứu mới đây ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy chỉ có 22% sinh viên sư phạm từng tham gia NCKH. Bên cạnh đó, thiếu thiết bị thí nghiệm, thiếu nhà khoa học hướng dẫn là những khó khăn rất lớn đối với các địa phương.
Bộ triển khai dạy học tích hợp, phân hóa nhưng cả 2 khái niệm này nhiều giáo viên còn mù mờ. Vì vậy, việc dạy học tích hợp vẫn còn lúng túng, khiên cưỡng và ôm đồm.
Chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện hành chưa biên soạn theo hướng tích hợp mà chủ yếu theo hướng cung cấp kiến thức và kỹ năng cho HS nhưng Bộ yêu cầu giáo viên biên soạn lại các chuyên đề phù hợp với phương pháp dạy học tích cực và điều kiện thực tế của trường.
Ngoài ra, hiện nay sức ì của một bộ phận giáo viên còn lớn, họ ngại thay đổi. Qua tìm hiểu ở các trường THCS và THPT thì hiện tượng dạy thêm, học thêm vẫn không hề giảm. Một số giáo viên kêu chương trình quá nặng, quá tải nhưng họ lại lợi dụng sự "quá nặng" đó để dạy thêm cho HS. Một số phụ huynh THPT tại TP.HCM cho biết, đầu năm họp phụ huynh cô giáo chủ nhiệm phổ biến rất nhiều chủ trương đổi mới của Bộ, nhưng cuối buổi họp cô đưa cho mỗi phụ huynh một tờ đăng ký học thêm tự nguyện với kết luận là học sinh đa số học yếu, cần học thêm mới vượt qua các kỳ thi.
Vì vậy, việc đổi mới ở các trường trung học hiện nay cần có sự vào cuộc của các trường sư phạm, các viện nghiên cứu giáo dục để đồng hành cùng các trường, cung cấp những lý luận vững chắc cho đổi mới, đồng thời có những phản biện kịp thời cho Bộ đối với quá trình đổi mới giáo dục. Mặt khác, trường sư phạm cũng phải nhanh chóng thay đổi mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Bình luận (0)